Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Trẻ Tăng động giảm chú ý thường thiếu tự tin, không dám bày tỏ ý kiến của bản thân hay rụt rè trong các giao tiếp xã hội. Nguyên nhân của việc thiếu tự tin này là do trẻ thường xuyên phải nghe những lời chê bai, chỉ trích thay vì được cha mẹ hoặc người lớn động viên, khích lệ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em mắc ADHD nhận nhiều hơn 20,000 lời phê bình tiêu cực (mắng, chê bai, chỉ trích) so với các bạn cùng lứa tuổi không bị ADHD khi được 10 tuổi. Nếu chia ra theo ngày thì mỗi ngày trẻ ADHD sẽ phải nghe ít nhất là 5 lời nhận xét mang tính tiêu cực. Và nếu chúng ta chỉ tính từ khi trẻ bắt đầu đi học (6 tuổi) do trẻ mắc ADHD thường chỉ được chẩn đoán sau khi bắt đầu đi học, thì con số này tăng lên là 9 lời chê bai mỗi ngày, một con số khủng khiếp.
Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường xuyên gặp khó khăn với việc điều chỉnh cảm xúc, do đó, những lời chê bai, phê bình sẽ chỉ làm cho vấn đề của trẻ ngày càng trầm trọng hơn, như thu mình, hay cáu gắt và để thoát khỏi những căng thẳng đó, trẻ sẽ tìm đến các trò chơi điện tử, mạng xã hội, phim, youtube,… Điều này sẽ hình thành nên vòng luẩn quẩn giữa bố mẹ và trẻ, bố mẹ thấy trẻ chỉ thích chơi mà không chịu học bài, trẻ thì lại thấy bố mẹ không hiểu mình, không biết vì sao mình thích chơi điện tử mà không thích đi học.
Vậy là cha mẹ chúng ta có thể làm gì để thay đổi sự việc này. Cha mẹ hãy tập trung vào những điểm tích cực, các công việc mà trẻ làm tốt, điểm mạnh và sở thích của trẻ. Khi cha mẹ khen ngợi những việc trẻ làm tốt thay vì chỉ trích hay chê bai thì trẻ sẽ tự tin hơn, có khả năng kiểm soát các hành vi bột phát tốt hơn, kiềm chế các cảm xúc tiêu cực như ném đồ, la hét, giận dữ.
Những việc cha mẹ cần làm:
Với bản thân:
- Luôn tỏ ra yêu thương gần gũi, tâm tình với trẻ để trẻ tâm sự, chia sẻ suy nghĩ của trẻ với bố mẹ. Hãy làm những hành động làm cho trẻ cảm thấy trẻ được yêu thương, yên tâm là mọi người đều yêu thương trẻ, quan tâm đến trẻ.
- Tôn trọng trẻ, lắng nghe các suy nghĩ, tâm tư, ý tưởng của trẻ để trẻ tin cậy và dần dần chia sẻ với bố mẹ các tâm tư tình cảm, suy nghĩ của mình.
- Cha mẹ cần biết được khi nào trẻ thấy thoải mái và khi nào trẻ đang bị quá tải. Hiểu được khả năng của con đến đâu để có thể hỗ trợ con đúng lúc và hỗ trợ đúng phương pháp.
- Tìm hiểu, nghiên cứu về ADHD để hiểu các vấn đề của con từ các hội nhóm trẻ ADHD, từ những cha mẹ cũng có con ADHD. Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ ADHD rất khác nhau, phương pháp có thể hiệu quả với trẻ này lại có thể không phù hợp với trẻ khác. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu nhiều phương pháp khác nhau và linh hoạt thay đổi để phù hợp với trẻ.
- Luôn biết cách kiên nhẫn với con. Kiềm chế các cảm xúc cáu giận của bản thân để không mắng hay chỉ trích các lỗi sai của trẻ.
- Làm gương cho con trong mọi việc, trẻ thấy bố mẹ bình tĩnh xử lý mọi chuyện không cáu gắt thì trẻ cũng sẽ tự bình tĩnh lại và không cáu nữa.
- Không áp đặt suy nghĩ của bố mẹ vào cho trẻ, cố gắng đứng ở vị trí của trẻ để hiểu suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn của trẻ từ đó sẽ có biện pháp hỗ trợ trẻ cho thích hợp.
Với con:
- Phát hiện các dấu hiệu con cần giúp đỡ, hỗ trợ: trẻ tăng động giảm chú ý có thể rất rụt rè, sợ hãi khi nhờ người khác giúp đỡ vì trẻ quen với việc bị mắng, chê bai khi không biết làm như thế nào. Do đó, cha mẹ cần thực sự chú ý và nhận ra khi nào con cần được hỗ trợ.
- Hỗ trợ con đúng thời điểm: bố mẹ cần biết khi nào trẻ cần hỗ trợ và khi nào trẻ chỉ cần bố mẹ khuyến khích động viên để cố gắng hoàn thành công việc. Nếu bố mẹ hỗ trợ không đúng lúc, trẻ sẽ có thể chán nản và từ bỏ công việc. Nếu hỗ trợ quá nhiều trẻ sẽ bị ỉ lại và biết chỉ cần mình nhờ giúp đỡ sẽ được bố mẹ làm hỗ mà không có sự nỗ lực để vượt qua thử thách.
- Hỗ trợ đúng với nhu cầu và khó khăn mà trẻ đang cần được giúp đỡ.
Thái độ hỗ trợ:
- Không định kiến è Thực sự nhìn rõ con đang gặp khó khăn và cần hỗ trợ: cha mẹ cần nhìn nhận rõ là trẻ không phải cố ý làm những hành vi mà bố mẹ không thích như chạy nhảy liên tục, không lắng nghe lời bố mẹ, không làm theo ngay khi bố mẹ nói, không học bài, làm việc nhà,… mà là trẻ thực sự gặp vấn đề trong kiểm soát sự tập trung và các hành vi bột phát.
- Không chỉ trích, chê bai: cha mẹ cần thay đổi cách nhìn nhận những kết quả của trẻ. Trẻ đã thực sự cố gắng và khả năng của con chỉ được như vậy. Thay vì chỉ nhìn thấy những lỗi sai, cái chưa tốt ở trẻ è bố mẹ cần nhìn thấy những gì trẻ đã cố gắng
- Khuyến khích động viên: Luôn khen ngợi, động viên, khích lệ trẻ cố gắng thay vì quát mắng sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều. Trẻ ADHD luôn muốn được mọi người công nhận những cố gắng mà mình đã đạt được. VD: trẻ đã ngồi học được 15p không ra khỏi chỗ và bắt đầu ngọ nguậy. Cha mẹ có thể vào khích lệ trẻ và cho trẻ ra ngoài uống cốc nước rồi quay lại học bài, thay vì yêu cầu trẻ tiếp tục tập trung làm bài.
- Từ từ, kiên nhẫn, không giục dã: trẻ Tăng động giảm chú ý cần thời gian để chuyển đổi giữa các công việc, nên cha mẹ hãy cho trẻ thời gian để sẵn sàng kết thúc công việc cũ và chuyển sang việc khác. Kiên nhẫn với trẻ, nếu con không làm được hãy hướng dẫn tận tay, không thúc giục trẻ nhanh lên vì càng giục dã trẻ sẽ càng cuống và càng không làm được việc.
Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng những lời động viên, khích lệ sẽ luôn hiệu quả hơn những lời chỉ trích chê bai. Hãy giúp trẻ bằng cách thể hiện sự thấu hiểu, bình tĩnh và chấp nhận các vấn đề của con. Cho trẻ biết rằng, bố mẹ luôn tin tưởng vào trẻ và nói với trẻ những điểm tốt mà con có.