Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Một trong những câu hỏi mà sinh viên thường đặt ra khi tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý là: “Em không biết chuyện gì đang xảy ra, chẳng hiểu sao em không còn chút động lực nào và không biết mình cần làm gì tiếp theo?”.
VÌ SAO chuyện này xảy ra, TẠI SAO LẠI LÀ BÂY GIỜ và ĐIỀU GÌ CÓ THỂ GIÚP ÍCH cho mình?. Những câu hỏi này chẳng phải bí quyêt cao siêu dành cho các nhà trị liệu tâm lý. Đây là những câu hỏi mà chính các bạn sinh viên có thể và nên đặt ra cho mình để tự tìm hiểu trước khi tìm dến sự trợ giúp tâm lý.
Để làm sáng tỏ mọi chuyện, trước hết, chuyên gia tâm lý cần biết sự mất phương hướng và động lực này là một biến đổi xảy ra gần đây hay đã xảy ra trong một thời gian dài? Câu trả lời sẽ giúp thu hẹp danh sách các nguyên nhân.
Vấn đề tồn tại đã lâu?
(1) Nếu một sinh viên luôn gặp khó khăn về phương hướng/động lực trong thời gian học đại học thì điều đầu tiên cần loại trừ là rối loạn giảm chú ýhaykhuyết tật học tập. Những tình trạng này khiến việc học tập, quản lý thời gian và việc bắt tay vào học của sinh viên trở nên khó khăn hơn nhiều so với các bạn cùng lứa. Điều này có thể chưa được phát hiện ở bậc học phổ thông vì trí tuệ ở mức trên trung bình của những sinh viên này cho phép họ bù trừ và đạt kết quả khá tốt ở cấp học dưới.
Bậc đại học có những yêu cầu cao hơn rất nhiều về phương pháp học cũng như lượng kiến thức cần ghi nhớ. Sinh viên không thể ngồi chờ thầy cô truyền thụ kiến thức như ở bậc phổ thông nữa, mà phải tự học, tức là chủ động tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Bên cạnh các kỹ năng học tập ở trên lớp, các bạn cũng phải tự mình rèn luyện nhiều kỹ năng ở ngoài nhà trường. Những gánh nặng này dần dần khiến sinh viên có rối loạn giảm chú ý hay khuyết tật học tập trở nên đuối sức. Đa số sinh viên rơi vào hoàn cảnh này không hiểu lý do vì sao mình đã cố gắng nhiều mà kết quả học tập vẫn giảm sút, các hoạt động ngoại khóa không còn gây hứng thú cho họ như trước nữa. Thay vì tìm kiếm sự trợ giúp, rất nhiều em sẽ âm thầm quay sang tự trách mình là ‘lười biếng’, ‘ít động lực’ và tiếp tục rơi vào guồng suy nghĩ tiêu cực, tiếp tục mất động lực, mất phương hướng.
(2) Nguyên nhân tiếp theo có thể dẫn tới tình trạng thiếu động lực kéo dài là những thay đổi tâm lý của sinh viên trong quá trình học để trưởng thành. Một cơ chế tự vệ phù hợp với thời phổ thông có thể trở thành nguồn gốc gây lo âu ở thời đại học.
Ví dụ có một số học sinh sức học tốt nhưng chẳng thích cố gắng hết khả năng của mình. Họ sinh ra trong gia đình có ông bố bà mẹ và những người anh em luôn nỗ lực, và được mong đợi sẽ luôn chăm chỉ và đạt kết quả tốt. Để chung sống hòa bình, những cô bé cậu bé này cố giữ thăng bằng đề vừa được là chính mình, vừa làm hài lòng ông bà cha mẹ, thỏa mãn những kỳ vọng của gia đình. Điều họ không có chính là động lực từ bên trong.
Ở bậc học phổ thông, những học sinh sống dựa vào động lực từ bên ngoài thường học cầm chừng, vừa đủ để ‘thành công’. Với chiến lược này, họ có thể giữ được thăng bằng trong suốt một thời gian dài, vừa khiến cha mẹ tự hào, vừa hài lòng vì được là chính mình.
Tuy nhiên, ở trường đại học, diễn biến tâm lý thay đổi. Các sinh viên bắt đầu mong muốn có thêm động lực từ bên trong. Họ muốn có động lực để hoàn thành bài vở tốt hơn, đạt điểm số cao hơn và khiến bản thân hài lòng hơn. Đây là lúc các bạn cảm thấy không còn hài lòng với bản thân và tìm đến chuyên gia tâm lý.
Tất nhiên, trong cuộc sống, chẳng có gì đơn giản và rõ ràng giống như ở ví dụ trên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ‘động lực thấp’ suốt cuộc đời thường rất khó phát hiện ngay từ đầu. Các chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này.
Vấn đề xảy ra gần đây?
Nếu sự thay đổi xảy ra mới đây thì đầu tiên cần loại bỏ những nguyên nhân rõ rệt. Các bệnh thể chất, chứng trầm cảm, thói quen sử dụng rượu, ma túy.. là những nguyên nhân hàng đầu.
(a) Trường hợp mắc bệnh lý thực thể thì ngoài việc mất động lực, sinh viên sẽ có các biểu hiện khác. Cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
(b) Nếu nguyên nhân là do trầm cảm, mất động lực có thể đi kèm một số biểu hiện khác như:
– Cảm giác buồn chán, trống rỗng, mất hy vọng, chẳng có chút say mê nào đối với cuộc sống.
– Rối loạn giấc ngủ.
– Thay đổi thói quen ăn uống (ăn nhiều lên hoặc ít đi).
– Giảm khả năng tập trung và ghi nhớ.
– Cuộc đời có thể trở nên vô nghĩa và những thứ trước đây đem lại niềm vui cho bạn giờ trở nên nhạt nhẽo. Bạn trẻ thậm chí còn muốn kết liễu cuộc đời mình.
Sinh viên có thể ý thức được sự kiện nào đã dẫn mình tới trầm cảm hoặc ngược lại, không thể chỉ ra tại sao chuyện này laị xảy ra với mình vào thời điểm này. Trong cả hai trường hợp, tư vấn với chuyên gia tâm lý để biết rõ liệu mình có bị trầm cảm hay không và được hướng dẫn điều trị kịp thời là điều rất quan trọng.
(c) Rượu và các chất ma túy gây nghiện đều có thể làm giảm động lực. Bạn uống rượu nên lơ là học tập và bị tụt lại, rồi bạn lại uống và lại tụt hậu xa hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng hút cần sa thường xuyên có thể dẫn tới ‘hội chứng mất động lực’.
Động lực bị dao động
Nhiều thời điểm khác nhau trong suốt quá trình học đại học cho tới khi tốt nghiệp có thể khiến sinh viên rơi vào tình trạng ‘động lực dao động’.
(1) Một số sinh viên trải nghiệm sự tụt dốc động lực đáng kể trong năm thứ nhất đại học. Họ đã không ngừng cố gắng và cố gắng trong suốt 12 năm phổ thông để vào được trường đại học uy tín. Đến khi đặt chân vào đó, họ lại nhận ra rằng sẽ chẳng có cơ hội nghỉ ngơi cho một kẻ đã quá mệt mỏi như mình. và họ lại phải tiếp tục cố gắng và cố gắng trong 4 năm, 6 năm hoặc nhiều hơn nữa trước khi có thể thư giãn.
Những sinh viên này cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi, chẳng còn đủ động lực làm việc. Đôi khi họ cảm thấy thực sự bối rối, không hiểu tại sao mình không thể duy trì tốc độ như trước. Thẳm sâu bên trong, tâm trí họ khẩn khoản “Xin hãy cho tôi nghỉ ngơi!”. Mạnh dạn nói ra điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn chân thực về tình huống mình đang rơi vào và điều chỉnh để hạnh phúc có được chỗ của mình bên cạnh thành công.
(2) Động lực của sinh viên cũng có thể sụt giảm sau khi họ hoàn tất việc chọn chuyên ngành.
Đột nhiên, những ý nghĩ thật khó chịu xuất hiện trong đầu bạn: ‘Thôi chết, mình chọn sai ngành rồi, nhưng đã quá muộn và không thể thay đổi gì nữa. Mình sẽ phải suốt đời làm kỹ sư (hay luật sư hay bác sĩ hay bất kỳ nghề gì) và ngóng đến ngày về hưu, vì bây giờ mình không thể thay đổi được nữa‘.
Và bạn tự nhủ: ‘Mình sẽ cố gắng không bận tâm lắm về việc này (dù mình rất ghét nó). Mình có thể chịu đựng bất kỳ điều gì nếu mình quyết định làm điều đó. Hơn nữa, mình PHẢI trở thành kỹ sư (luật sư, bác sĩ…) vì bố mẹ muốn vậy.’
Câu hỏi đặt ra là, liệu một sinh viên đang trong tình huống khó xử như vậy sẽ có bao nhiêu nhiệt tình cho việc hoàn thành bài vở? Dừng lại và phân tích kỹ lưỡng về lựa chọn nghề nghiệp có thể là điều cần làm lúc này, kể cả nếu điều ấy sẽ mang đến cho bạn nhiều rắc rối, đe dọa phá hỏng kế hoạch học tập đã được thiết lập và gây tốn kém về tài chính.
(3) Thời điểm cận kề ngày tốt nghiệp cũng là lúc động lực có thể giảm sút. Đó có thể là tâm lý ‘xả hơi’ năm cuối đại học, khi một số anh chị lớn cho phép mình bỏ lớp nhiều hơn, làm bài tập qua quýt hơn và mong nhận bằng cho xong việc. Đó cũng có thể là nỗi sợ tiềm ẩn gắn liền với ý nghĩa của tốt nghiệp. Chẳng hạn ‘Nếu tốt nghiệp mình sẽ phải tự lập hoàn toàn, sẽ chẳng ai giúp mình nữa’. Trao đổi cởi mở với chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn giải tỏa những lo lắng này và lấy lại động lực.
BS Thu Thủy
Phòng khám Cây thông xanh
Tài liệu tham khảo