Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Mở đầu
Rối loạn tiêu hoá và rối loạn đường ruột là các vấn đề phổ biến trong quá trình mang thai. Đối với các triệu chứng ở dạng nhẹ thì có thể tự điều trị được bằng cách thay đổi thói quen trong ăn uống. Tuy nhiên, khi các vấn đề này trở nên nghiêm trọng thì cần được điều trị tại các cơ sở y tế.Những vấn đề này xuất hiện trong thai kỳ nhưng cũng có thể trở thành mãn tính nếu người mẹ phải chịu đựng trong thời gian dài.
Rối loạn tiêu hóa và rối loạn đường ruột có nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Dưới đây là cách xử trí một số biểu hiện mà phụ nữ mang thai thường hay gặp:
Buồn nôn và nôn mửa
Buồn nôn và nôn mửa là 2 hiện tượng phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kì, điều này được lý giải là do sự thay đổi về hoc-mon xuất hiện trong thời gian mang thai (Tiran, 2004). 2 hiện tượng này gắn với chứng ốm nghén và có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Những triệu chứng này thường giảm đi hoặc biến mất sau 3 tháng đầu thai kì nhưng cũng có thể kéo dài trong suốt thời gian mang thai, trong trường hợp này thì các nguyên nhân khác như nhiễm trùng đường tiểu và viêm dạ dày ruột không được tính đến.
Việc đầu tiên cần làm để xử lý các triệu chứng này là tránh xa các thức ăn có thể làm các triệu chứng nặng thêm và lựa chọn các đồ ăn trung hoà có hàm lượng tinh bột cao và chất béo thấp như bánh mỳ, gạo, bánh quy, mỳ, chuối, hoa quả sấy, khoai tây và khoai lang. Không nên ăn quá nhiều một bữa mà nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Nếu các triệu chứng này vẫn còn dai dẳng gây khó chịu, hãy sử dụng thuốc chống nôn. Thêm nữa, tăng lượng dung dịch cũng rất quan trọng để giữ trạng thái cân bằng chất điện giải của cơ thể. Lưu ý nước nên uống từng chút một chứ không nên uống quá nhiều một lần có thể làm nặng thêm các triệu chứng trên và gây cảm giác khó chịu. Mặc đồ thoải mái có thể giúp giảm các triệu chứng buồn nôn vì nó làm giảm áp lực lên dạ dày. Uống nước gừng có thể giúp giảm bớt tình trạng buồn nôn và nôn mửa trong thời kỳ này (NHS 2015).
Tình trạng ốm nghén nặng
Tình trạng ốm nghén nặng là dạng nghiêm trọng của buồn nôn và nôn nửa, dẫn đến việc mất cân bằng chất lỏng và chất điện giải của cơ thể. Nó thường xuất hiện ở giai đoạn đầu thai kì và thường kết thúc ở tuần thứ 20 (Eliakim và các tác giả,2000).
Cách xử lý tình trạng này giống như cách xử lý tình trạng buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, nếu bà mẹ không thể uống bổ sung các loại dung dịch, chất điện giải, vitamin, khoáng chất thì cần bổ sung bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch. Trường hợp ốm nghén nặng cần phải nhập viện điều trị.
Trào ngược dạ dày và khó tiêu
Chứng trào ngược dạ dày và khó tiêu trong thai kỳ là do sự thay đổi hormone trong cơ thể và cũng là do áp lực của tử cung chèn vào dạ dày làm gia tăng áp lực và đẩy các axit dạ dày tràn vào thực quản (WebMD 2005). Các triệu chứng trào ngược bao gồm cảm giác bỏng rát bên dưới xương ức hoặc trong dạ dày đặc biệt là khi ăn vì điều này làm tăng cả áp lực và sự sản xuất axit trong dạ dày. Một số triệu chứng khác bao gồm: buồn nôn và ói mửa, đầy hơi và ợ hơi.
Để xử lý các triệu chứng này thì nên ngồi thẳng và tránh tư thế thõng người xuống, ăn nhiều bữa nhỏ, và tránh các thức ăn nhiều gia vị cay nóng hay giàu năng lượng và nước ép trái cây, hoặc bất cứ thực phẩm hay đồ uống có nguy cơ làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược. Các bà bầu không nên ăn trước khi đi ngủ vì khi ăn sẽ làm tăng sản xuất axit trong dạ dày, do đó làm tăng các triệu chứng trào ngược, đặc biệt là khi nằm xuống. Uống nhiều nước cả ngày lẫn đêm và điều quan trọng là phải uống các thức uống lành mạnh.
Nếu các cách trên không hiệu quả, phụ nữ mang thai cần sử dụng thuốc để làm giảm hàm lượng axit trong dạ dày. Việc dùng thuốc nhất định phải theo chỉ định của bác sỹ, không được tự ý mua thuốc để đảm bảo sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều lượng trong thời gian mang thai.
Táo bón
Táo bón là triệu chứng rất phổ biến trong thai kì do áp lực của tử cung lên thành ruột làm ngăn ngừa phân đi qua ruột thẳng dễ dàng và do sự gia tăng của hocmon progesterone, làm chậm quá trình thức ăn đi xuống dạ dày (Greenwood 2011). Hơn nữa, việc bổ sung các vi chất trong thời gian mang thai như sắt cũng làm tình trạng táo bón thêm trầm trọng.
Để giảm nguy cơ táo bón, quan trọng là ăn những thức ăn có hàm lượng chất xơ cao như các loại hoa quả như (táo, chuối, ối, xoài, quả hồng…; các loại rau màu xanh như bắp cải, súp lơ xanh, su su, củ cải, mộc nhĩ, măng khô; các loại hạt và đậu cô ve; các loại khoai như khoai môn, khoai tây… Tích cực uống nhiều nước để làm phân mềm và đại tiện dễ dàng hơn. Các bác sỹ khuyến cáo bà bầu nên uống khoảng 2,2 lít nước một ngày trong ba tháng đầu tiên, tăng xấp xỉ 2,5 lít/1ngày trong ba tháng cuối, và 2,7 lít/1ngày khi cho con bú (Derbyshir, 2006). Lượng nước được tính từ các nguồn: nước lọc hoặc các đồ uống khác, và từ các thực phẩm chứa nhiều nước như: súp, sữa chua, rau củ quả. Phụ nữ mang thai nên tăng cường vận động tập thể dục thể thao để giúp tăng nhu động ruột.
Sau khi áp dụng các cách trên mà không có hiệu quả thì cần đi khám bác sỹ để được tư vấn và điều trị bằng thuốc. Thông thường các bác sỹ sẽ kê đơn thuốc qua đường uống như thuốc nhuận tràng. Một số trường hợp nặng phải dùng thuốc nhét hậu môn hoặc sử dụng các biện pháp thụt tháo, móc phân.
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch bị sưng và viêm xung quanh vùng trực tràng và hậu môn khiến phụ nữ mang thai trở nên cực kỳ đau đớn. Trong thời kỳ mang thai các hormone làm cho tĩnh mạch của bạn nở ra (Staroselsky 2008). Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân đóng góp vào sự phát triển của các tĩnh mạch này, việc cố gắng cho ra phân cứng càng tạo thêm áp lực cho vùng trực tràng và hậu môn, làm tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, khi thai nhi càng phát triển thì càng tăng áp lực từ tử cung lên trực tràng và làm tình trạng bệnh trở nên nặng thêm.
Để điều trị bệnh trĩ thì trước hết cần điều trị dứt điểm chứng táo bón để tránh trở nên đau đớn hơn. Các phương pháp gồm tắm nước nóng, tránh ngồi nhiều. Khi ngủ nên nằm nghiêng để giảm áp lực từ tử cung lên trực tràng.
Kết luận
Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai là yếu tố vô cùng quan trọng giúp phụ nữ mang thai khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học cho các phụ nữ mang thai là tăng cường ăn các thực phẩm chứa hàm lượng tinh bột, chất xơ cao và hạn chế ăn chất béo; tập thể dục thể thao đều đặn giúp cơ thể điều hòa và làm dịu các triệu chứng gây ra bởi thai nghén. Khi em bé được sinh ra, các triệu chứng trên có thể được cải thiện vì áp lực lên tử cung và các hocmon đã giảm bớt. Cách điều trị tốt nhất trong giai đoạn này là thay đổi thói quen trong ăn uống như các hướng dẫn ở trên và hạn chế sử dụng thuốc, vì đây là giai đoạn cho con bú. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc thì nhất thiết phải được bác sỹ thăm khám và kê đơn để đảm bảo an toàn cho con.
Điều dưỡng Elli Jacobs
Phòng khám Cây Thông Xanh