Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Ở Anh, sữa bà bầu không được các bác sỹ khuyến cáo sử dụng mà được coi như một loại thuốc và chỉ được sử dụng trong các trường hợp như bà bầu không ăn được hoặc lượng ăn quá ít không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi. Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, cân đối các nhóm thực phẩm là cách bổ sung dinh dưỡng tốt nhất trong thời gian mang thai.
Mỗi loại thực phẩm cung cấp các loại dinh dưỡng khác nhau, khi ăn uống cân đối sẽ cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể mà không cần phải sử dụng đến thuốc hoặc các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nhân tạo như sữa bà bầu. Đặc biệt trong các loại rau củ quả, các loại đậu và ngũ cốc, ngoài việc cung cấp chất xơ để duy trì thai kỳ khỏe mạnh, chúng còn chứa phytochemical – một loại hợp chất hóa học tự nhiên có tác dụng trong việc duy trì và tăng cường sức khỏe, bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh như tim, ung thư, tiểu đường và cao huyết áp. Phytochemical còn có tác dụng làm chậm tốc độ của quá trình oxy hóa và quá trình tự hủy của tế bào và mô. Quan trọng là những chất này lại không có trong các sản phẩm như sữa.
Tuy nhiên ở Việt Nam, lại có thiên hướng đề cao quá mức vai trò của sữa bà bầu. Nhiều người dù rất sợ mùi vị của sữa nhưng vẫn cố gắng uống với hy vọng con sẽ phát triển tốt hơn, thông minh hơn. Do vậy giá sữa của Việt Nam đắt nhưng lại có mức tiêu thụ cao.
Khi được hỏi về vấn đề này, điều dưỡng Elli Jacos – Phòng khám Cây Thông Xanh cho biết: Ở Anh, các bác sỹ chỉ khuyến cáo bổ sung 2 chất trong thời gian mang thai là axit folic và vitamin D. Trong một vài trường hợp đặc biệt như bị thiếu máu (căn cứ vào kết quả xét nghiệm) hoặc có biểu hiện thiếu máu thì bác sỹ sẽ yêu cầu bổ sung thêm sắt.
Axit folic được khuyến cáo bổ sung 400mcg/ngày trong vòng từ trước khi thụ thai một tháng cho đến mười hai tuần đầu của thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy axit folic làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và não úng thủy tới 50-70%. Do vậy, axit folic có vai trò đặc biệt quan trọng trong 12 tuần đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành và phát triển trí não của trẻ.
Mặc dù axit folic có nhiều trong các thực phẩm như đậu lăng, đậu khô, đậu Hà Lan, các loại rau lá màu xanh đậm, trái cây họ cam quýt và nước trái cây. Tuy nhiên axit folic có thể mất đi hoặc bị hao hụt trong quá trình lưu trữ hoặc đun nấu nên việc hấp thu axit folic qua thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể trong giai đoạn này.
Vitamin D có tác dụng điều chỉnh nồng độ canxi và phosphate trong máu, giúp phát triển xương và răng. Để giúp bé có đủ lượng Vitamin D cần thiết, các bác sỹ ở Anh khuyến cáo các bà mẹ bổ sung 5mcg/ngày trong suốt thời gian mang thai và trong vài tháng đầu sau sinh. Mặc dù vitamin có trong một số loại thực phẩm như cá, trứng và thịt tuy nhiên nhu cầu Vitamin D trong giai đoạn này cao nên việc bổ sung qua thức ăn không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt là ở Anh, với khí hậu lạnh, các bà mẹ ít ra ngoài trời nên da không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Một số trường hợp được bác sỹ chỉ định bổ sung sắt sau khi đọc kết quả xét nghiệm máu. Thông thường xét nghiệm máu được thực hiện 2 lần trong giai đoạn mang thai. Lần thứ nhất ở giai đoạn đầu thai kỳ và lần thứ hai ở tuần thai thứ 28, hoặc có thể nhiều hơn nếu người phụ nữ có những dấu hiệu của thiếu máu. Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin giúp vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Thời gian mang thai, cơ thể đòi hỏi nhiều máu hơn (cần thêm 50% so với bình thường), do vậy nhu cầu về sắt cũng cao hơn. Các triệu trứng của thiếu máu bao gồm: hôn mê, khó thở, niêm mạc nhợt và hay bị hoa mắt, chóng mặt.
Các bà mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về các vitamin và vi chất dinh dưỡng cần thiết trong thời gian mang thai ở bài viết sau của điều dưỡng Elli Jacobs.
Điều dưỡng Elli Jacobs (Anh)
Phòng khám Cây Thông Xanh