Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Trước khi mang thai, hầu hết các mẹ sẽ tìm hiểu nên bổ sung dưỡng chất gì để tốt nhất cho con. Và phần lớn các mẹ được bác sĩ tư vấn bổ sung axi-folic để mẹ khỏe con khỏe. Vậy, axit folic là gì, sử dụng như thế nào, nguồn axit chính ở đâu?
Axit Folic là gì?
Axit Folic là một vitamin nhóm B, cụ thể là vitamin B9 đóng vai trò chính trong việc sản xuất tế bào máu đỏ và ống thần kinh tủy sống, não.
Axit Folic nên uống khi nào: trước hay sau khi mang thai?
Phần lớn các mẹ bầu chỉ biết mình có thai khi thai đã được 2 – 3 tuần tuổi trở lên (tính từ ngày thụ thai) trong khi ống thần kinh phát triển từ rất sớm, vào tuần thứ 3 của thai kỳ. Ống thần kinh sẽ khép dần lại, cho đến ngày thứ 28 ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn.
Việc uống bổ sung axit-folic sau khi có thai chỉ giúp được một phần cho việc phát triển nhanh tế bào của thai nhi, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh khác như sứt môi, chẻ vòm và các dị tật ở tim và chân tay, chứ không giúp cho xây dựng hệ thần kinh của thai nhi (vì đã hoàn thành trong 28 ngày kể từ khi thụ thai rồi). Nếu mẹ bị thiếu axit-folic nghiêm trọng khi thụ thai, có thể dẫn đến dị tật ở não và cột sống, phổ biến nhất là cột sống chẻ đôi và thai vô sọ. Dị tật ống thần kinh là một trong những loại dị tật bẩm sinh thường gặp nhất và rất nhiều các trường hợp thai dị tật bị sẩy thai hoặc chết lưu trong tử cung.
Vì vậy, tốt nhất các mẹ dự định mang thai nên bổ sung đủ axit folic trong cơ thể trước khi thụ thai, tối thiểu là một tháng và duy trì trong thai kỳ.
Bổ sung Axit-folic trước khi mang thai bằng cách nào?
Tốt nhất, nên bổ sung qua đường ăn uống. Thực phẩm chứa nhiều axit-folic là:
Thực phẩm có màu xanh lá: rau diếp, bông cải xanh, măng tây, cải bắp, súp lơ xanh,…
Các loại đậu đỗ như: đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ đen,…
Các loại trái cây: bơ, cà chua, đặc biệt là hoa quả họ quýt,…
Gạo lứt và các loại gạo còn nguyên cám
Bánh mì, ngũ cốc,…
Chỉ bổ sung axit-folic bằng thực phẩm chức năng khi có chỉ định của bác sĩ, bởi phải uống theo liều dựa trên nguy cơ tiềm ẩn của gia đình (gia đình trước đây có tiền sử người thân bị dị tật ống thần kinh, sứt môi, hở hàm ếch) hoặc theo bệnh lý của mẹ mang thai (bị tiểu đường, động kinh, béo phì…).
Axit-folic tan trong nước, do vậy khi uống thừa, axit-folic sẽ bị đào thải qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, không nên làm mệt thêm “nhà máy thận” bởi hàng ngày chúng ta đã ăn và uống quá nhiều thứ độc hại và thận đã phải làm việc rất vất vả rồi. Tốt nhất, dùng theo sự chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ cũng căn cứ trên khả năng dung nạp của cơ thể và thành phần thực phẩm ăn của mẹ thường nhật để quyết định lượng bổ sung phù hợp.
Nguồn tham khảo:
- Phòng khám Cây Thông Xanh
- Sách “1000 câu hỏi dành cho bà mẹ mang thai”