Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
- Tạo dựng sự tự tin bằng cách học các kỹ năng nuôi dạy con mới và học về sự phát triển của trẻ.
- Trong năm thứ hai và thứ ba của cuộc đời, trẻ học cách dành quyền tự chủ.
- Trẻ phải học các kỹ năng kiểm soát hành vi.
Chẳng ai sinh ra đã là những ông bố bà mẹ hoàn hảo. Bạn sẽ tự tin hơn nếu học được những kỹ năng nuôi dậy con mới. Hiểu biết về sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn sẽ giúp bạn dự đoán trước những gì sẽ xảy ra và lập kế hoạch nuôi dạy con phù hợp với độ tuổi của trẻ. Bạn cũng sẽ nhận ra rằng mình cần điều chỉnh cách nuôi dạy con để đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của trẻ và vun trồng những khả năng mới xuất hiện của con.
Trong năm thứ hai và thứ ba của cuộc đời, trẻ sẽ từng bước dành quyền tự chủ. Tự chủ là một động lực phát triển, được xây dựng trong suốt những năm đầu của thời thơ ấu, đặc biệt là từ 12 đến 36 tháng tuổi. Trong quá trình phát triển này, trẻ bắt đầu nhận ra mình là một cá thể độc lập với cha mẹ. Đồng thời, trẻ cũng hiểu được rằng hành vi của mình đi kèm với hệ quả, trong đó có cả những hệ quả không mấy dễ chịu. Trẻ bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc tự ý thức như xấu hổ và tội lỗi. Nuôi dạy con tích cực hỗ trợ trẻ củng cố sự tự chủ và tránh cảm giác xấu hổ, tội lỗi.
Trong khi nhiệt thành khám phá thế giới rộng lớn xung quanh, trẻ nhỏ tỏ rõ sự tò mò vô bờ bến và hoàn toàn không ý thức được nguy hiểm hoặc các giới hạn. Trẻ phải học kỹ năng kiểm soát hành vi của mình. Con đường rất dài này bắt đầu từ bây giờ, khi con bạn chập chững bước đi. Trước khi hiểu được những hành vi nào là điều cha mẹ mong đợi, trẻ sẽ phạm sai lầm, nhưng sai lầm là cơ hội để học hỏi. Khi dạy con một cách kiên nhẫn và bền bỉ, bạn sẽ giúp con tránh được cảm giác xấu hổ và tội lỗi. Những em bé phát triển được ý thức tự chủ thay vì cảm giác xấu hổ và tội lỗi thường đưa ra được những quyết định lành mạnh hơn trong suốt cuộc đời.
Cha mẹ nên làm gì?
• Hiểu sự phát triển của trẻ ở các giai đoạn khác nhau để có những kỳ vọng thực tế về hành vi của con. Lập danh sách những việc có thể giúp con đạt được những gì bạn mong đợi.
• Nên dự đoán trước việc trẻ có thể kháng cự khi được bạn chỉ dạy một số việc mới. Ở giai đoạn này trẻ thích khẳng định sự tự chủ và có thể nói “không!” với nhiều yêu cầu của bạn. Hãy bình tĩnh và kiên định. “Không” ở đây không nhất thiết nghĩa là trẻ sẽ không làm điều bạn muốn, có thể đơn giản là trẻ chỉ muốn được lắng nghe.
• Cho trẻ một vài phương án để lựa chọn nhằm tuân thủ các yêu cầu của bạn. Ví dụ, nếu trẻ không muốn rời khỏi sân chơi, hãy hỏi xem con muốn đi đâu trước, rẽ vào nhà ông bà hay đến cửa hàng. Trẻ sẽ suy nghĩ để đưa ra quyết định và không chống đối nữa. Chú ý chỉ đưa ra những lựa chọn mà bạn có thể và sẵn sàng thực hiện.
• Hãy tôn trọng trẻ, kiên quyết nhưng nhẹ nhàng. Việc bắt ép trẻ làm theo những gì bạn muốn có thể cho kết quả nhanh hơn nhưng trẻ sẽ không học được cách kiểm soát hành vi của mình khi cha mẹ không thể kiểm soát hành vi của bản thân.
Khi cha mẹ tìm cách kiểm soát hay trừng phạt con, họ có khả năng nhận được sự phản kháng vì ý thức tự chủ ngày càng tăng của trẻ.
• Đối với trẻ ở tuổi này, hành động nặng ký hơn lời nói. Hãy nhẹ nhàng nắm tay để kéo con ra khỏi hành vi không mong muốn. Kiên quyết nhưng phải nhẹ nhàng. Đừng nói nhiều, hãy hành động một cách tôn trọng và có mục đích.
• Chú tâm tới việc vui chơi với con. Ở độ tuổi khó khăn này, đôi khi cha mẹ cần tự nhủ “mọi thứ rồi sẽ qua đi” và tận hưởng những thay đổi thú vị ở trẻ.
Bác sỹ Thu Thủy