Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Giúp trẻ ngủ ngoan
- NGỦ ĐỦ VÀO BAN NGÀY : Để giúp trẻ ngủ tốt hơn vào ban đêm, thay vì ép con thức đến mệt nhoài vào ban ngày, cha mẹ cần giúp trẻ ngủ tốt, theo đúng nhu cầu của lứa tuổi. Tất nhiên mẹ cần lo lắng nếu thấy trẻ có những giấc ngủ ngày dài hơn 3 tiếng vì điều này cho thấy trẻ vẫn nhầm lẫn giữa ngày và đêm.
- THIẾT LẬP NẾP NGỦ ĐỀU ĐẶN : Cho trẻ ngủ vào những khung giờ nhất định, tránh kích thích và hoạt động mạnh sát giờ ngủ. Thực hiện một số công việc thường quy trước giờ ngủ và duy trì đều đặn nếp này, chẳng hạn dành thời gian âu yếm, đọc truyện, đọc thơ, hát ru con. Cha mẹ nên đọc truyện cho trẻ ngay từ những ngày đầu tiên chào đời. . . Khả năng dự báo trước giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ dàng lắng dịu để đi vào giấc ngủ.
Lưu ý các việc thường quy mà mẹ tập cho trẻ trước giấc ngủ đêm phải khác các việc thường quy mà mẹ tập cho trẻ trước giấc ngủ ngày, để trẻ không bị lẫn lộn giữa giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm. Ngoài ra, để giúp trẻ phân biệt ngày và đêm, mẹ cũng có thể cho trẻ ngủ ngày trong không gian có nhiều ánh sáng và tiếng ồn hơn so với khi trẻ ngủ đêm.
- QUẤN CHẶT TRẺ : Cảm giác được bó chặt trong chăn giúp làm lắng dịu hệ thần kinh, nhắc trẻ nhớ lại tổ ấm thời nằm trong bụng mẹ, trẻ thấy an toàn và thư giãn, nhờ đó mà ngủ ngon hơn. Quấn chặt cũng giúp trẻ đỡ giật mình hay cựa quậy mạnh khi đi vào giấc ngủ. Khi trẻ biết lẫy thì nên ngừng quấn vì giai đoạn này trẻ thích được vận động, việc quấn chặt sẽ làm trẻ cảm thấy khó chịu.
- ÂM THANH ĐỀU ĐỀU, TẦN SỐ THẤP : Tử cung của mẹ là nơi hết sức ồn ào, trong khi ngôi nhà mới của trẻ lại quá yên tĩnh. Một số trẻ sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn khi được nghe tiếng âm thanh đều đều như tiếng quạt máy, tiếng máy sấy tóc, máy giặt, âm thanh è è của đài radio
- TẠO SỰ AN TOÀN CHO TRẺ : Trẻ cảm thấy an toàn vào ban ngày sẽ có khả năng chịu đựng sự xa cách tốt hơn, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, ôm ấp vỗ về trẻ ban ngày có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn và ngủ ngon.
Giúp trẻ tự đi vào giấc ngủ
Sai lầm thường gặp : Khi đến giờ ngủ, nhiều bậc cha mẹ thường bế ru con hoặc cho con bú để giúp trẻ đi vào giấc ngủ. Tạo nếp sinh hoạt đều đặn trước giờ ngủ là điều tốt, nhưng không nên để trẻ ngủ ngay trên tay bạn vì :
- Trẻ sẽ quen với điều này và có thể đòi được bế ru mới chịu ngủ.
- Trẻ được cho bú ngay trước khi ngủ có thể phụ thuộc vào bữa ăn và sẽ đòi bú mới ngủ khi lớn hơn.
- khi thức giấc trong thời gian ngắn giữa chu kỳ giấc ngủ, trẻ không tự ngủ lại được.
Một số cách giúp trẻ học cách tự đi vào giấc ngủ :
- Cho trẻ đưa vào giường một vật để ôm ấp như chiếc gối ôm, con thú nhồi bông. . . Lưu ý chỉ làm vậy nếu trẻ đã biết lẫy, biết ngồi để tránh nguy cơ bị ngạt.
- Đặt trẻ vào giường khi trẻ đang buồn ngủ, lúc chưa gắt ngủ. Đặt nằm ngửa, đây là tư thế an toàn nhất, chú ý không để đồ vật gì chùm lên mặt trẻ.
- Vỗ về và trấn an trẻ khi sợ
- Khi trẻ tỉnh giấc lúc nửa đêm, hãy vỗ về nhưng không nói chuyện và không được bế trẻ ra khỏi giường.
- Nếu trẻ khóc, hãy chờ vài phút mới đáp ứng, vỗ về an ủi trẻ, rồi tạm biệt và rời phòng, Lặp lại điều này nếu cần.
Trẻ cảm nhận được cảm xúc của cha mẹ. Do vậy nếu bạn luôn hoảng hốt, tạo ra tiếng ồn, lao đến ngay lập tức mỗi khi trẻ khóc, trẻ sẽ gia tăng cường độ và tần suất khóc.
Điều quan trọng là bạn cần nhất quán trong việc thực hiện các nề nếp và trong cách xử trí tiếng khóc của trẻ.
Tài liệu tham khảo : Bộ sách Nuôi con không áp lực – cuốn 2
Mời cha mẹ tham khảo clip Hiểu giấc ngủ của trẻ tại đây
Khi bạn cần hỗ trợ băn khoăn gì hãy liên hệ chúng tôi ! Hotline 0944.28.5656