Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Từ khi sinh ra, trẻ em đã sẵn sàng cho việc học tập và tiếp thu các kĩ năng cần thiết để trở thành 1 cá thể độc lập, để có một cuộc sống khỏe mạnh và thành công. Trong quá trình học tập này, sự tương tác giữa cha mẹ, các thành viên trong gia đình cũng như thầy cô giáo sẽ giúp kích thích tối đa các khả năng của trẻ về ngôn ngữ, nhận thức, vận động hay các kĩ năng kết bạn, lãnh đạo…. Trong những năm đầu đời, việc tương tác, giao tiếp của bố mẹ với trẻ là nguồn nguyên liệu quý giá cho sự phát triển của não bộ và những trải nghiệm của trẻ về thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ phát triển các kĩ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề sau này.
Ngôn ngữ là một phần rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ đã bắt đầu nghe được từ tuần thứ 25 khi còn trong bụng mẹ và tiếp tục tích lũy vốn từ trong 1 năm đầu đời để có thể phát âm được từ đầu tiên khi được khoảng 1 tuổi. Quá trình học ngôn ngữ của trẻ sẽ bắt đầu từ việc lắng nghe để hiểu lời nói, rồi sau đó trẻ mới có thể phát âm, nói các từ đầu tiên. Trẻ đã bắt đầu hiểu và tạo ra âm thanh khi được 6 tháng tuổi – khi nghe thấy có người gọi tên mình, hoặc bập bẹ các âm (ah, eh, oh). Ngôn ngữ được chia ra làm 2 khía cạnh đó là ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt. Ngôn ngữ hiểu là việc trẻ hiểu các lời nói của mọi người xung quanh, hiểu và đáp ứng lại với các yêu cầu, hiệu lệnh của người lớn. Ngôn ngữ diễn đạt là việc trẻ biết sử dụng lời nói hoặc cử chỉ để diễn đạt các mong muốn, suy nghĩ của bản thân. Khi 2 khía cạnh này đều phát triển tốt thì trẻ phát triển hoàn toàn bình thường về ngôn ngữ. Phát triển tốt về ngôn ngữ sẽ giúp trẻ giao lưu, kết bạn và tham gia vào các hoạt động tập thể cũng như để đạt thành tích tốt trong học tập và công việc.
Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ gặp vấn đề khó khăn về ngôn ngữ, hay mọi người thường gọi đó là chậm nói. Chậm nói không chỉ biểu hiện ở việc trẻ chậm biết nói hơn so với các bạn cùng lứa hoặc mốc phát triển ngôn ngữ diễn đạt không đúng với lứa tuổi, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ như trẻ không hiểu lời nói (ngôn ngữ hiểu kém), trẻ có vấn đề về thính lực hoặc có thể là dấu hiệu báo động cho những rắc rối nghiệm trọng hơn, như chậm phát triển trí tuệ hay thậm chí là tự kỉ. Với những trẻ chỉ có vấn đề về việc không nghe được (điếc, nghe kém) thì trẻ vẫn phát triển khả năng diễn đạt bằng cử chỉ khá tốt, trẻ nhìn và quan sát để hiểu các sự việc xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ chậm phát triển ngôn ngữ diễn đạt kèm theo đó là các dấu hiệu của việc không hiểu lời nói thì điều đó lại thể hiện trẻ cần được đánh giá kĩ hơn để xác định được vấn đề của trẻ và được can thiệp trị liệu sớm. Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ cũng có thể là biểu hiện của bệnh khó học, thường chỉ được chẩn đoán khi trẻ đi học. Chậm nói có thể dẫn đến các biểu hiện của rối loạn hành vi do nổi cáu vì không có khả năng thể hiện điều mình muốn. Chậm nói đơn thuần đôi khi chỉ mang tính tạm thời và có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của gia đình.
Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo cho trẻ có vấn đề về chậm phát triển ngôn ngữ – giao tiếp từ 0 – 24 tháng tuổi, một vài dấu hiệu bố mẹ có thể không quan sát được cho đến khi trẻ ở cuối mốc phát triển. Khi con bạn có những biểu hiện dưới đây, cần cho trẻ đi khám ngay.
Dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ – giao tiếp cho trẻ 0 – 12 tháng
Từ khi sinh – 3 tháng tuổi
- Không giật mình khi nghe thấy âm thanh to
- Không phản ứng với lời nói của bố mẹ
- Không tạo ra các âm thanh gừ gừ
- Không mỉm cười hoặc tạo ra âm thanh khi có người nói chuyện với trẻ
Trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi
- Không quay đầu nhìn về phía phát ra âm thanh.
- Không đáp ứng với sự thay đổi khác nhau trong giọng nói của bố mẹ.
- Không chú ý vào các đồ chơi phát ra tiếng động.
- Không lắng nghe khi thấy tiếng nhạc.
- Không tạo ra âm thanh và bập bẹ
- Không cười khúc khích hoặc cười thành tiếng.
- Ít hoặc gần như không phát ra các âm thanh khi vui vẻ hoặc khó chịu.
Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi
- Không quay người và nhìn về phía có âm thanh.
- Không đáp ứng khi có người gọi tên trẻ.
- Không thích chơi các trò chơi cùng bố mẹ: ú òa, chi chành.
- Không thích nghe các bài hát, không thích nghe đọc truyện.
- Không bập bẹ các âm: baba, mama, dada.
- Không biết dùng các cử chỉ: chỉ tay, vẫy tay chào – tạm biệt hoặc mất đi sau đó.
- Không chỉ vào các đồ vật.
Dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ – giao tiếp cho trẻ từ 1 – 2 tuổi
Về ngôn ngữ hiểu
- Không làm được các hiệu lệnh có 1 yêu cầu như: “ném bóng”, “vứt rác”.
- Không chỉ vào được bộ phận của cơ thể khi được gọi tên.
- Không biết chỉ những bức tranh quen thuộc trong sách khi bố mẹ hỏi: “mèo đâu?”, “hoa đâu?”,…
- Không thích nghe đọc truyện, nghe nhạc.
- Không hiểu các câu hỏi đơn giản: “Cái gì đây?”, “Mẹ đâu/bố đâu?”. Khả năng hiểu câu hỏi sẽ thể hiện khi trẻ gần được 2 tuổi.
Về ngôn ngữ diễn đạt
- Chỉ nói được vài từ đơn (khoảng 10 từ) hoặc chưa nói được. Vốn từ của trẻ không tăng lên khi trẻ lớn dần.
- Không nói được tên của các bộ phận cơ thể.
- Không chỉ và nói tên các bức tranh quen thuộc.
- Cho đến gần 2 tuổi: Không nói được 2 từ: đi chơi, ăn bánh,…
- Không biết đặt câu hỏi đơn giản: “Cái gì đây?”, “Ai?”, “Ở đâu?”
Bố mẹ có thể làm gì để giúp đỡ trẻ khi có khó khăn về ngôn ngữ
- Không đoán trước những gì mà trẻ muốn
Bố mẹ, ông bà luôn có khả năng đoán được trẻ muốn gì khi trẻ chỉ mới ọ ọe, khóc, nhìn hay chỉ về phía nào đó. Do đó, ông bà, bố mẹ thường sẽ đáp ứng các mong muốn của trẻ trước trẻ trẻ thể hiện nhu cầu của mình. Không dự đoán mong muốn của trẻ nghĩa là bố mẹ hãy chờ và xem trẻ sẽ làm gì để thể hiện nhu cầu của mình. Thay vì lấy ngay đồ vật trẻ muốn, bố mẹ hãy dừng lại chờ cho đến khi trẻ thể hiện ra nhu cầu của mình bằng lời nói hoặc hành động. Nếu như trẻ chỉ sử dụng ngôn ngữ cơ thể như chỉ tay hoặc khóc, hãy khuyến khích trẻ nói bằng cách hỏi trẻ “con muốn gì?”, một cách nhẹ nhàng. Nếu trẻ chưa nói được bố mẹ có thể khuyến khích trẻ bằng cách nói tên của đồ vật mà trẻ muốn, để trẻ nhắc lại.
- Nói cho trẻ tên của mọi đồ vật, hành động
Bố mẹ có thể làm điều này mọi lúc, mọi nơi. Nhiều trẻ có vấn đề về ngôn ngữ gặp vấn đề với việc gọi tên các đồ vật, sự việc. bố mẹ có thể giúp trẻ bằng cách nói tên của mọi đồ vật, hành động, mùi, màu sắc cho trẻ bất cứ đồ vật nào, hành động nào mà trẻ làm, chạm vào. Cách đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất đó là cho trẻ nhìn, sờ vào vật và nói về nó. Ví dụ, nếu bố mẹ cầm 1 quả bóng, hãy nói “bóng”, “ném”, “tròn”, “đỏ”, khi chỉ dùng các từ đơn thì trẻ sẽ không bị lẫn lộn vì mỗi từ có 1 nghĩa riêng. Nếu bố mẹ muốn nói các câu dài hơn, hãy chắc chắn rằng trẻ chú ý khi bố mẹ nói về hành động hoặc đồ vật đó.
- Nói các yêu cầu ngắn, rõ ràng
Những trẻ có chậm phát triển ngôn ngữ thường có khó khăn trong việc hiểu những câu nói, câu hướng dẫn dài. Thực tế, khi bố mẹ sử dụng các câu nói đơn giản (2-3 từ) sẽ giúp trẻ dễ hiểu những yêu cầu, hiệu lệnh của bố mẹ hơn. Nếu bố mẹ muốn trẻ làm việc gì đó, hãy sử dụng câu đơn giản nhất mà trẻ vẫn có thể hiểu được. Ví dụ:
- Thay vì nói: “Con có thể vào phòng ngủ và lấy cho mẹ cái điện thoại không?” → hãy nói: “ (tên trẻ) lấy điện thoại cho bố.”
- Thay vì nói: “Con có thể ngồi vào bàn để chuẩn bị ăn cơm không?” → hãy nói: “ (tên trẻ) ngồi vào bàn, ăn cơm”.
Những câu nói như thế này tuy rằng nghe rất là khắc nghiệt với trẻ, nhưng bố mẹ hãy tin rằng điều này sẽ giúp trẻ có khó khăn về ngôn ngữ hiểu được yêu cầu của bố mẹ. Khi giao tiếp, hoặc đưa ra yêu cầu bố mẹ cần ở vị trí ngang tầm mắt với trẻ, mặt đối mặt. Nếu trẻ không nhìn hãy gọi tên trẻ và yêu cầu trẻ nhìn bạn, nếu bạn cao quá, hãy ngồi xuống hoặc quỳ gối sao cho ngang tầm mắt với trẻ. Bố mẹ cũng có thể chia nhỏ hướng dẫn theo từng bước một. Ví dụ, bố mẹ muốn trẻ cất đồ chơi vào giỏ, rồi lấy quần áo để đi tắm. Hãy ngồi gần vào trẻ thu hút sự chú ý của trẻ vào bố mẹ, rồi nói “con cất đồ chơi đi”, sau khi trẻ đã thực hiện xong, bố mẹ có thể tiếp tục bằng “Đi lấy quần áo nào”. Bố mẹ có thể sẽ phải thực hiện cách này cho đến khi trẻ đã làm tốt việc thực hiện yêu cầu 1 hành động. Khi đó, bố mẹ có thể bắt đầu cho trẻ thực hiện cách hiệu lệnh dài hơn, với 2 hành động khác nhau, như “cất đồ chơi, rồi lấy quần áo”.
- Giúp trẻ nói được các từ, câu dài hơn
Khi nói chuyện với trẻ, bố mẹ, ông bà nên sử dụng các câu bằng hoặc cao hơn một chút so với mốc ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ mới chỉ nói được 1 từ đơn, thì khi nói với trẻ bố mẹ cũng chỉ nên dùng các câu 1 từ đơn để nói tên đồ vật, hành động, trò chơi,… nhưng cũng có thể thêm các câu có 2 từ. Lý do cho việc này là nếu trẻ có thể nói 1 hoặc 2 từ thì khi bố mẹ nói những câu dài hơn thì trẻ sẽ không hiểu được hết. Mặc dù, điều này sẽ giúp trẻ biết được cách sử dụng các từ ở mức độ cao hơn. Ví dụ, khi trẻ chỉ mới dùng 1 từ đơn nhưng được nghe bố mẹ thường xuyên nói các câu 2 từ thì sau đó trẻ cũng có thể nói được câu 2 từ. Bố mẹ chỉ cần ghi nhớ rằng, nếu bố mẹ xử dụng các câu dài và phức tạp khả năng ngôn ngữ hiện tại của trẻ thì trẻ sẽ không thể hiểu hết được những gì bố mẹ nói.
Cách thêm các từ để tạo câu dài hơn:
Khi chơi, nói chuyện cùng trẻ bố mẹ có thể nhắc lại và thêm vào các từ, với mỗi câu bố mẹ chỉ nên thêm 1 – 2 từ. Dưới đây là một vài ví dụ mà bố mẹ có thể giúp trẻ nói câu dài hơn.
- Khi trẻ nói: “tàu”
- Bố mẹ có thể nói: “tàu”, “tàu hỏa”, “tàu kìa”, “tàu màu đỏ”, “đoàn tàu đi”,…
- Khi trẻ nói: “ném bóng”
- Bố mẹ có thể nói: “ném bóng”, “mẹ ném bóng”, “ném quả bóng vàng”,…
Bố mẹ cũng có thể giúp trẻ nói câu đầy đủ cấu trúc:
- Khi trẻ nói: “đi công viên”.
- Bố mẹ có thể nói: “con muốn đi công viên.”
- Khen ngợi trẻ ngay khi trẻ làm được các yêu cầu
Khi trẻ thực hiện được một phần các yêu cầu mà bố mẹ đưa ra, hoặc nói được 1 từ theo bố mẹ hay nói đúng đồ vật mà bố mẹ hỏi trẻ. Hãy ngay lập tức khen ngợi và động viên trẻ hoặc cho trẻ thứ mà trẻ thích như một phần thưởng sẽ giúp trẻ hiểu rằng khi mình đáp ứng các yêu cầu của bố mẹ hoặc khi mình nói thì trẻ sẽ được thưởng.
Ví dụ: Khi đọc truyện cho trẻ, bố mẹ hỏi trẻ “quả bóng đâu?” trẻ chỉ vào hình quả bóng. Hay khi trẻ chỉ vào quả bóng và nói “bóng” bố mẹ cũng hãy khen ngợi và cùng trẻ lặp lại từ đó. Hay các yêu cầu hành động như vỗ tay, nhưng trẻ chỉ biết giơ 2 tay lên thì hãy cổ vũ trẻ, sau đó cầm tay trẻ và dạy trẻ cách vỗ tay. Lặp đi lặp lại nhiều lần hàng ngày cho đến khi trẻ hiểu hiệu lệnh “vỗ tay” và thực hiện hành động đó.
Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn gì về sự phát triển của con, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa 0944.28.5656 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bạn có thể chat với bác sĩ qua facebook phòng khám Cây Thông Xanh
PHÒNG KHÁM CÂY THÔNG XANH
– Khám trẻ ốm không lạm dụng kháng sinh
– Khám phát triển toàn diện trẻ 0-5 tuổi phát hiện sớm các bất thường
– Khám và trị liệu trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động, sang chấn tâm lý sau khi cha mẹ li di ly thân, trẻ khó thích ứng trường lớp
Địa chỉ: Số 39, ngõ 255, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0944.28.5656 | 024 – 36.28.5656.
YouTube: Phòng khám Cây Thông Xanh
Facebook: Phòng khám Cây Thông Xanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) https://www.nidcd.nih.gov/health/speech-and-language