Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Các dấu hiệu của trẻ có vấn đề về ngôn ngữ – giao tiếp
Trẻ em đã có thể giao tiếp từ khi sinh ra, tuy nhiên, để có thể hiểu và nói được trẻ cần sự luyện tập thường xuyên thông qua việc lắng nghe, nói chuyện cùng bố mẹ và học hỏi từ môi trường xung quanh. Trong quá trình học nói, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc dùng từ chưa chính xác, nói ngọng hoặc các vấn đề về cấu trúc câu, nhưng hầu hết trẻ đều có thể nói tốt và sử dụng ngôn ngữ gần như người lớn khi được 5 tuổi.
Những trường hợp trẻ tiếp xúc cùng lúc với 2 hoặc nhiều ngôn ngữ thì có thể sẽ không đạt được mốc phát triển ngôn ngữ – giao tiếp đúng với lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ sẽ vẫn bắt kịp được với các bạn nếu không có những vấn đề về rối loạn ngôn ngữ. Trẻ cũng có thể sử dụng tốt cả 2 loại ngôn ngữ hoặc trẻ sử dụng 1 ngôn ngữ tốt hơn so với ngôn ngữ còn lại – đó là ngôn ngữ chiếm ưu thế. Việc học 2 hay nhiều ngôn ngữ đều cần phải được luyện tập hàng ngày, nói và nghe thật nhiều thì trẻ mới có thể thành thạo khi sử dụng những ngôn ngữ đó. Tiếp cận cùng lúc với nhiều ngôn ngữ không phải là nguyên nhân gây ra việc trẻ chậm nói.
Rối loạn ngôn ngữ là tình trạng trẻ có khó khăn về ngôn ngữ hiểu và/hoặc ngôn ngữ diễn đạt. Ngôn ngữ hiểu giúp trẻ hiểu những lời nói, yêu cầu, hiệu lệnh của mọi người, qua đó trẻ có thể giao tiếp và tạo tiền đề cho việc học tập về sau. Ngôn ngữ diễn đạt giúp trẻ nói ra được những nhu cầu, mong muốn của mình hoặc thể hiện bằng những hành động như chỉ tay, kéo tay thu hút sự chú ý của mọi người để diễn đạt nhu cầu của mình. Những trẻ có rối loạn ngôn ngữ khi đi khám thường có dấu hiệu về chậm phát triển hơn so với lứa tuổi về mặt ngôn ngữ – giao tiếp. Dưới đây là các dấu hiệu trẻ có vấn đề rối loạn ngôn ngữ :
Rối loạn ngôn ngữ hiểu
Các nguyên nhân của rối loạn ngôn ngữ hiểu:
- Trẻ không nghe thấy các từ, lời bố mẹ nói có thể do nghe kém hoặc mất thính lực (điếc).
- Trẻ nghe không hiểu bố mẹ nói gì, nghe thấy các từ nhưng không phân loại được các từ (nguyên nhân từ não bộ, ví dụ hội chứng Auditory Processing Disorder (APD)).
Nếu cha mẹ quan sát thấy con có các dấu hiệu dưới đây thì nên cho con đi khám để được đánh giá và trị liệu sớm nhất.
- Không chú ý lắng nghe khi có người khác nói chuyện với trẻ.
- Không thích thú khi được người khác đọc truyện hoặc sách tranh cho trẻ.
- Khi nghe những câu dài, phức tạp trẻ thường “ngơ ngác” nhìn vào người nói.
- Không làm theo được các hiệu lệnh, yêu cầu chỉ bằng lời nói hoặc không làm theo được hiệu lệnh có 2 hành động trở lên.
- Lặp lại các từ, cụm từ, câu hỏi mà trẻ nghe được.
- Mốc phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với lứa tuổi.
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt
Trẻ có rối loạn ngôn ngữ diễn đạt thường xuất phát từ việc trẻ không hiểu ngôn ngữ, dẫn đến trẻ không biết làm thế nào để diễn tả những hành động, mong muốn của mình bằng lời nói. Tuy nhiên, trường hợp trẻ chậm nói nhưng vẫn hiểu lời nói của bố mẹ, ông bà, mọi người xung quanh và các mốc phát triển khác đúng với lứa tuổi thì được gọi là “chậm nói đơn thuần” (không có rối loạn về phát triển).
Nếu các cha mẹ thấy con mình có các dấu hiệu dưới đây, thì nên cho con đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được đánh giá và trị liệu sớm nhất.
- Trẻ nói lung tung các từ không có nghĩa (jargon).
- Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tìm từ để diễn tả mong muốn, nhu cầu, miêu tả sự vật, sự việc.
- Vốn từ bị hạn chế và chỉ sử dụng 1 vài dạng cấu trúc câu khi nói (không biết dùng câu hỏi, không biết dùng câu cảm thán).
- Hay sử dụng sai từ khi nói và hay nhầm lẫn về nghĩa của các câu.
- Mắc các lỗi ngữ pháp: thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ, các từ sắp xếp lộn xộn trong câu.
- Chỉ biết nói các câu ngắn, đơn giản, không biết sử dụng các từ nối “và”, “hoặc”, “nhưng” để tạo ra câu dài.
- Khó khăn khi kể lại câu truyện hoặc các sự việc đã xảy ra. Chỉ sử dụng các câu đơn, phải cần có sự gợi ý.
- Cảm thấy khó khăn khi muốn bắt đầu hoặc duy trì một cuộc hội thoại.
- Khó khăn trong việc đọc và viết (trẻ đã đi học).
BS Lê Đức Duy
Cha mẹ có thể tham khảo clip sau:
Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 0-18 tháng
Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 18-48 tháng
Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ trên 4 tuổi
Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn gì về sự phát triển của con, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa 0944.28.5656 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bạn có thể chat với bác sĩ qua facebook phòng khám Cây Thông Xanh
Đăng ký tham gia lớp học để chăm bé đúng cách và giúp bé phát triển sớm 5 kỹ năng.
PHÒNG KHÁM CÂY THÔNG XANH
– Khám trẻ ốm không lạm dụng kháng sinh
– Khám phát triển toàn diện trẻ 0-5 tuổi phát hiện sớm các bất thường
– Khám và trị liệu trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động, sang chấn tâm lý sau khi cha mẹ li di ly thân, trẻ khó thích ứng trường lớp
Địa chỉ: Số 39, ngõ 255, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0944.28.5656 | 024 – 36.28.5656.
YouTube: Phòng khám Cây Thông Xanh
Facebook: Phòng khám Cây Thông Xanh