Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Ly hôn dưới góc nhìn ở các độ tuổi khác nhau của trẻ: Những khó khăn và cách giải quyết
Ly hôn có lẽ không phải là một quyết định dễ dàng, và chắc chắn là một sự kiến có nguy cơ dẫn đến những xáo trộn và khó khăn tâm lý ở con. Việc suy nghĩ và cân nhắc đến lựa chọn là quyết định của bố, mẹ; việc ở lại hay chia tay trong một mối quan hệ cần cân nhắc đến rất nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Và nếu như lựa chọn của cha, mẹ là chia tay nhau thì bài viết dưới đây nhằm đưa ra cho cha mẹ một số những vấn đề trẻ có thể phải đương đầu khi cha mẹ chia tay cũng như những gì cha, mẹ nên làm để hỗ trợ con
Mặc dù việc ly hôn có thể dẫn đến những khó khăn tâm lý ở trẻ, tuy nhiên duy trì mối quan hệ vợ chồng với nhiều mâu thuẫn kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến tổn thương tâm lý cho trẻ, tác giả Vikki Stark trong cuốn sách về Li dị và cách giải thích với con[i] chỉ ra rằng việc cha, mẹ li hôn không phải là nguyên nhân chính gây tổn thương ở trẻ, chính những xung đột lâu dài mới gây căng thẳng và tổn thương về tâm lý, cảm xúc ở trẻ. Trẻ thường gặp khó khăn trong những năm đầu khi bố mẹ ly hôn, nhưng sau đó có thể thích nghi và ổn định với điều này nếu cha, mẹ hỗ trợ và duy trì mối quan hệ đúng mực với nhau và mối quan tâm yêu thương, thân thiết đúng cách với con[ii]
Các vấn đề tâm lý ở trẻ có thể gặp phải khi cha mẹ ly hôn và cách cha/mẹ có thể hỗ trợ con:
Những vấn đề dưới đây được tổng hợp trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của cha mẹ lên trẻ em” (2012)[iii], kèm theo đó là những hướng dẫn cha mẹ có thể thực hiện dựa trên tổng hợp một sô sách và nghiên cứu liên quan đến chủ đề này[iv]
Lưu ý: những lời khuyên liên quan đến việc duy trì mối quan hệ thân thiết với cha/mẹ đã dọn ra khỏi nhà không áp dụng trong trường hợp gia đình có xảy bạo hành, xao nhãng chăm sóc con, những tình huống này cần có sự hỗ trợ, can thiệp theo cách khác.
-
Trẻ sơ sinh (0-1 tuổi)
Trẻ sơ sinh có thể chưa hiểu khái niệm ly hôn những trẻ có thể nhận ra sự thay đổi môi trường, bao gồm việc thay đổi người chăm sóc hay thói quen của người chăm sóc trẻ. Việc duy trì nhịp sinh hoạt đều đặn, ổn định và liên hệ gắn bó với những cử chỉ yêu thương từ người chăm sóc là cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trẻ sơ sinh phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc, vì vậy một mối quan hệ gắn kết an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ là cần thiết. Trong trường hợp trẻ không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu hay cảm thấy không an toàn, trẻ có thể biểu hiện ra bằng các biểu hiện như khóc, quấy nhiễu, cáu kỉnh, mệt mỏi, bỏ ăn hoặc them ăn quá mức, rối loạn giấc ngủ. Đôi khi trẻ thể hiện sự chậm chễ trong các mốc phát triển mà trẻ nên đạt được. Đây là những ảnh hưởng gián tiếp trẻ sơ sinh có thể gặp phải từ sự ly hôn của cha, mẹ gây ra những hậu quả quá căng thẳng, xao nhãng việc chăm sóc con.
-
Trẻ 1-3 tuổi
Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu nhận ra sự thay đổi trong việc có mặt của bố, mẹ. Ở trẻ có thể xuất hiện hội chứng lo lắng vì xa cách (separation anxiety)- triệu chứng của trẻ nhỏ khi không muốn, thể hiện sự lo lắng quá mức khi phải rời xa người gần gũi gắn bó, trẻ thường xuyên thể hiện sự khó chịu và có thể xuất hiện lại những hành vi ở mốc tuổi phát triển trước đó dù đã dừng trong thời gian gần đây, ví dụ như trẻ có thể quay lại thói quen mút ngón tay trẻ từng làm trước đó, hay trẻ có thể lại tè dầm hay ị đùn dù trước đó đã tập đi bô thành công. Trẻ có thể có những rối loạn trong việc ăn, ngủ do căng thẳng, hoặc phát triển nỗi sợ hãi quá mức với điều gì đó.
Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ trẻ sơ sinh và trẻ 1-3 tuổi vượt qua những khó khăn tâm lý sau ly hôn của cha mẹ:
- Cố gắng hạn chế thay đổi nhịp sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ của trẻ.
- Dành nhiều sự quan tâm, chú ý đến trẻ hơn, tuy nhiên không chiều chuộng với những đòi hỏi không hợp lý của trẻ
- Nếu có thể, cố gắng sắp xếp các buổi gặp gỡ thường xuyên giữa trẻ với người cha, mẹ không ở với trẻ sau ly hôn; đối với trẻ nhỏ thì việc cha, mẹ đã chuyển đi quay lại thăm con ở nhà hiện tại con đang ở sẽ dễ dàng hơn cho trẻ, mặc dù vậy trẻ cũng dễ thay đổi nên nếu trong trường hợp cần thiết trẻ cũng có thể dần thích nghi với việc di chuyển giữa hai nhà của cha, mẹ với điều kiện cha mẹ thống nhất và duy trì nhất quán cách giáo dục con . Cha, mẹ đã chuyển đi nên quay lại thăm con thường xuyên, bởi nếu người chuyển đi không đến gặp con thường xuyên, trẻ có thể nhanh chóng quên đi mối quan hệ gắn bó với người đó.
- Với trẻ đã hiểu ngôn ngữ, việc sử dụng con rối, đồ chơi, tranh vẽ để giải thích về việc ly hôn của bố mẹ sẽ dễ dàng cho trẻ hiểu điều gì đang diễn ra hơn là chỉ nói bằng lời.
-
Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo 3-6 tuổi
Trẻ ở tuổi này bắt đầu hiểu khái niệm bố, mẹ không còn sống cùng nhau nữa nhưng trẻ chưa hiểu hoặc chưa chấp nhận được rằng tình huống này sẽ kéo dài. Trẻ có thể liên tục đặt những câu hỏi như “bố đi đâu rồi?”, “bố với mẹ không ở cùng nhau à?”. Một số trẻ nhận thức sớm có thể nghĩ rằng vì mình làm sai một điều gì đó mà bố mẹ không ở với nhau nữa. Việc hỏi đi hỏi lại một câu hỏi không phải là biểu hiện của việc trẻ không hiểu câu trả lời hay trẻ quên mà là biểu hiện của sự lo lắng, và cách trẻ cố gắng trấn an bản thân, xác định lại tình huống hiện tại. Sau ly hôn của cha mẹ, trẻ trải qua nhiều sự thay đổi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà với trẻ nhỏ việc nhịp sinh hoạt bị đảo lộn hay sự không dự đoán trước được điều gì sẽ xảy ra làm gia tăng cảm giác lo âu ở trẻ. Trẻ có thể thể hiện ra những đòi hỏi hoặc yêu cầu nhiều hơn trước do những nỗ lực để cố gắng hiểu được chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình. Phản ứng của trẻ với việc cha mẹ ly hôn được biểu hiện rất khác nhau; có trẻ sẽ mè nheo, đòi hỏi nhiều hơn, có trẻ xuất hiện lại những hành vi ở các mốc phát triển trước dù đã hết như tè dầm; có trẻ sẽ cố gắng che dấu cảm xúc, hoặc phản ứng cảm xúc ngược lại khi nghe nói về bố hoặc mẹ đã không ở cùng mình (nhất định không chịu nghe điện thoại mẹ gọi về nhưng đứng từ xa để nghe bà nói chuyện với mẹ) có trẻ thể hiện mong ước của mình bằng cách chơi giả vờ cho búp bê, gấu bông đoàn tụ.
Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ tâm lý trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo vượt qua những khó khăn tâm lý sau ly hôn của cha mẹ:
- Cũng như trẻ ở lứa tuổi bé hơn, việc duy trì nhịp sinh hoạt không bị xáo trộn và duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ chuyển ra khỏi gia đình cần được quan tâm, ưu tiên trong cuộc sống hàng ngày .
- Hãy lập ra thời gian biêu và hoặc nói cho với trẻ mỗi ngày về những việc sẽ làm trong ngày để trẻ có thể biết trước được và có tâm thế chuẩn bị không cảm thấy sợ hãi khi các sự việc, sự kiện diễn ra.
- Hiểu và chấp nhận sự nhạy cảm quá mức ở trẻ,(ví dụ: nhiều trẻ thể hiện những đòi hỏi thể hiện sự bất an như luôn đòi món đồ chơi hoặc thứ đồ nào đó để cầm, trên thực tế việc đáp ứng cho trẻ những đồ vật này có thể làm trẻ cảm thấy yên tâm; hoặc một số trẻ quấy khóc sau vài ngày được đón sang nhà khác rồi quay lại nhà; trẻ cũng dễ dàng tức giận hơn trước đó). Hãy lắng nghe trẻ, chấp nhận cảm xúc của trẻ, cố hiểu cảm xúc của trẻ, xoa dịu trẻ và luôn thể hiện ra sự kiên nhẫn và yêu thương con (cha, mẹ có thể ôm con vào long , vỗ về an ủi và và nói: cha/mẹ yêu con).
- Nếu trẻ liên tục hỏi đi hỏi lại những câu hỏi, hoặc chơi tưởng tượng bố mẹ đoàn tụ. Hãy kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của con, không nói dối trẻ, tuy nhiên hãy trả lời một cách đơn giản và trung tính, tránh đem những cảm xúc tiêu cực cá nhân của bản thân vào câu trả lời (Vd: khi trẻ hỏi bố, mẹ có về ở cùng nhau không, cha mẹ có thể trả lời: bố, mẹ sẽ không về ở cùng nhau, nhưng bố ,mẹ vẫn đều yêu con và chăm sóc con)
- Nếu trẻ có suy nghĩ do mình làm sai nên bố mẹ không ở với nhau, hãy giải thích đó không phải lỗi của trẻ
-
Trẻ lứa tuổi tiểu học 6-12 tuổi
Trẻ ở lứa tuổi đã hiểu được việc bố mẹ ly hôn và tính chất lâu dài của sự kiện này. Trẻ ở độ tuổi này thường xuất hiện suy nghĩ tự đổ lỗi cho bản thân mình về việc đổ vỡ trong mối quan hệ hôn nhân của bố mẹ. Trẻ có thể tưởng tượng nhiều về việc cuộc sống của mình khi bố mẹ đoàn tụ. Trẻ trở nên khá nhạy cảm, dễ buồn bực, cáu giận hay tủi thân. Kết quả học tập của trẻ có thể bị giảm sút. Trẻ có thể có những phản ứng thái quá khi nhắc đến việc ly hôn của cha mẹ.
Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ trẻ sơ sinh và trẻ ở lứa tuổi tiểu học vượt qua những khó khăn tâm lý sau ly hôn của cha mẹ:
– Cha/mẹ cần quan sát và phát hiện những thay đổi ở con (thay đổi về hành vi, lời nói, cách ứng xử, việc ăn ngủ, học hành), tìm nguyên nhân và có ứng xử phù hợp để giúp con
– Trẻ cần được người lớn giải thích rằng việc ly hôn của cha mẹ không phải là lỗi của trẻ mà là quyết định của cha, mẹ; cha/mẹ tuy không ở cùng con nhưng cha/mẹ vẫn luôn yêu con
– Trẻ có thể từ chối nhắc đến việc ly hôn như một cách né tránh tình huống đang diễn ra, hãy tạo điều kiện, môi trường cởi mở để trẻ có thể nói ra suy nghĩ và băn khoăn của mình
– Giúp trẻ chấp nhận và duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ vắng trong gia đình bằng cách đưa ra lịch trình trẻ gặp
– Người chăm sóc nên chia sẻ với nhà trường về việc cha, mẹ đã ly dị để có sự hợp tác, phối hợp hỗ trợ trẻ.
– Nhiều trẻ trở nên nhút nhát hơn với các bạn vì mặc cảm khác biệt, hãy khuyến khích trẻ hòa nhập với mỗi trường bạn bè.
– Nếu trẻ giảm sút kết quả học, lý do thường liên quan đến những bất an, lo lắng tâm lý kể trên khiến trẻ khó tập trung vào việc học, hãy giải quyết các vấn đề bất an của trẻ, đồng thời kiên nhẫn hỗ trợ con học.
-
Thanh thiếu niên (12-18 tuổi)
Thanh thiếu niên có thể hiểu trừu tượng hơn về những vấn đề phức tạp xung quanh việc ly hôn, có thể gặp khó khăn chấp nhận ly hôn, và có thể tự trách bản thân mình. Ở lứa tuổi này, do ảnh hưởng của tuổi dậy thì với những thay đổi tâm lý, các khó khăn mang nhiều tính ẩn hưởng và phức tạp hơn các lứa tuổi trước. Dấu hiệu cho thấy thanh thiếu niên đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh ly hôn bao gồm: hành động, nhận trách nhiệm quá mức và lo lắng về các vấn đề của người lớn. Nghiên cứu đã tiết lộ rằng thanh thiếu niên có cha mẹ ly dị có nhiều khả năng có cả các vấn đề bao gồm cả mối quan hệ của bản thân với yếu tố bên ngoài như sử dụng chất kích thích, vi phạm các nguyên tắc hay chính các vấn đề nội quan như trầm cảm, lo âu, tách mình khỏi mối quan hệ gia đình. Đây là lứa tuổi trẻ đi tìm bản sắc riêng, vì vậy việc cha, mẹ ly dị có thể ảnh hưởng đến quan điểm của trẻ vị thành niên về tình yêu, về các mối quan hệ xã hội.
Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ tâm lý thanh thiếu niên vượt qua những khó khăn tâm lý sau ly hôn của cha mẹ:
Mặc dù trẻ tuổi này có thể hiểu hơn về khái niệm và nguyên nhân bố mẹ ly hôn so với các lứa tuổi trước đó, nhưng trẻ tuổi này rất hay suy nghĩ và có thể trải quá những tổn thương sâu sắc mà không nói ra khi cha mẹ ly hôn.
- Cha, mẹ nên học cách giao tiếp hiệu quả với con. Tôn trong ý kiến của con và dành nhiều thời gian nói chuyện với con. Khác với trẻ ở lứa tuổi trước đó thường nêu ra những suy nghĩ thật khi được hỏi. Nhiều trẻ ở tuổi này giấu suy nghĩ thật và tỏ ra bên ngoài bằng thái độ khó chịu, cáu gắt, hãy kiên nhẫn và cởi mở nói chuyện với con. Không đổ lỗi hay nói những câu nói chỉ trích con như: con rất lười học, hãy thay thế bằng những câu nói như: Mẹ nhận thấy thời gian gần đây điểm của con giảm sút, mẹ với con có thể cùng nhau nói chuyện để tìm cách cải thiện. Không tránh né những câu hỏi của con và nói chuyện thẳng thắn với con về việc ly hôn của bố mẹ, tuy nhiên tránh những ý kiến tiêu cực.
- Hợp tác với nhà trường để hỗ trợ việc học của con
- Sát sao các hoạt động, nhịp sống và các mối quan hệ trẻ tham gia. Mặc dù việc cởi mở và gần gũi con là cần thiết, cha mẹ cũng cần đặt ra những nguyên tắc, ranh giới để trẻ tuân thủ.
- Nhiều trẻ ở tuổi này cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm hoặc tự mình phải cáng đáng nhiều việc sau khi bố, mẹ ly dị. Đôi khi việc trẻ tự nhận quá nhiều trách nhiệm về bản thân của mình có thể gây căng thẳng cho trẻ, hãy cân nhắc và giải thích cho con về vai trò, trách nhiệm của con trong gia đình và việc chia tay của bố mẹ không phải lỗi cua trẻ.
Do trẻ trải qua một sự kiến thay đổi khá nhiều đến cuộc sống của trẻ, trẻ có thể hết sức nhạy cảm, trẻ có thể có nhiều phản ứng không mong muốn, khó lường trước. Nên trong trường hợp cha, mẹ cảm thấy trẻ có nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát, cho mẹ có thể tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ dịch vụ hỗ trợ tâm lý để hỗ trợ cho trẻ và bản thân.
Cán bộ tâm lý Ngô Thị Thùy Dương (thu thập và tổng hợp tài liệu)
Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn gì về sự phát triển của con, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa 0944.28.5656 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bạn có thể chat với bác sĩ qua facebook phòng khám Cây Thông Xanh
PHÒNG KHÁM CÂY THÔNG XANH
– Khám trẻ ốm không lạm dụng kháng sinh
– Khám phát triển toàn diện trẻ 0-5 tuổi phát hiện sớm các bất thường
– Khám và trị liệu trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động, sang chấn tâm lý sau khi cha mẹ li di ly thân, trẻ khó thích ứng trường lớp
Địa chỉ: Số 39, ngõ 255, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0944.28.5656 | 024 – 36.28.5656.
YouTube: Phòng khám Cây Thông Xanh
Facebook: Phòng khám Cây Thông Xanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[i] Vikki Stark, The Divorce Talk: How to Tell the Kids, Green Light Press (January 1, 2016)
[ii] Rappaport SR. Deconstructing the Impact of Divorce on Children. Family Law Quarterly. 2013
[iii] Kleinsorge, C., & Covitz, L. M. (2012). Impact of Divorce on Children: Developmental Considerations. Pediatrics in Review
[iv] Vicki Lansky’s divorce book for parents (1996) : helping your children cope with divorce and its aftermath Deephaven, Minn. : Book Peddlers
https://www.verywellfamily.com/children-of-divorce-in-america-statistics-1270390#citation-1
https://www.verywellfamily.com/psychological-effects-of-divorce-on-kids-4140170
https://www.scientificamerican.com/article/is-divorce-bad-for-children/
https://www.helpguide.org/articles/parenting-family/children-and-divorce.htm