Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Trong dịp Tết, trẻ thích nhất là đi đến đâu cũng được cho ăn bánh kẹo thoải mái, mỗi nhà lại có những thứ bánh kẹo khác nhau mà nhiều món chỉ dịp Tết mới có. Do chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày thay đổi, trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Không khí lạnh trong tiết xuân đầu năm cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, Tết trẻ được cha mẹ đưa thăm ông bà, họ hàng, đến những nơi đông đúc, tiếp xúc với nhiều người và nhiều vật dụng có thể có mang vi trùng sinh bệnh. Vì vậy, cha mẹ càng phải chú ý đến việc ăn uống, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ trong những ngày Tết.
Lưu ý đề phòng các bệnh đường tiêu hóa
Do ăn không đúng bữa, ăn quá nhiều ngọt, thịt, cá, dầu mỡ nhưng lại thiếu rau xanh, trái cây, trẻ dễ mắc các bệnh như nóng bụng, đầy bụng trướng hơi; tiêu chảy, táo bón, tăng cân hoặc ngược lại, với trẻ đã lười ăn thì dễ bị “no ngang” nên không nhận đủ năng lượng trong bữa ăn chính dẫn đến sụt cân. Vì vậy, cha mẹ lưu ý:
- Chú ý không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trong vòng 2 giờ trước bữa ăn chính. Nếu trẻ đòi ăn thêm bánh, kẹo, mứt, bạn hãy dùng kẹo, mứt đó làm phần thưởng cho trẻ sau khi trẻ ăn hết bữa chính.

- Các bữa ăn ngày Tết thường có nhiều chất béo và đạm. Cha mẹ cần lưu ý bố trí thêm các loại rau xanh để đảm bảo cung cấp đủ vi chất cho trẻ.
- Tết ăn nhiều đồ ngọt, năng lượng nhiều trẻ sẽ cảm thấy bứt rứt nếu không được hoạt động. Do đó, hãy cho con bạn tham gia các hoạt động thể chất như đá bóng, đạp xe v.v… Trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh và nghe lời cha mẹ hơn.
- Tết trẻ ăn vặt nhiều và mải chơi nên thường uống không đủ nước. Dấu hiệu của trẻ thiếu nước là nước tiểu có màu vàng sẫm hoặc đỏ. Cha mẹ chú ý quan sát.
- Khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày, kèm nôn và sốt, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý phòng bệnh đường hô hấp
Không khí lạnh trong dịp Tết dễ khiến trẻ mắc các bệnh đường hô hấp. Để có một dịp Tết vui vẻ và khỏe mạnh, cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Đối với trẻ bị hen suyễn, thời tiết lạnh dễ khiến các cơn hen tái phát. Để phòng bệnh tái phát, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với không khí lạnh, khói thuốc, bụi, lông động vật, phấn hoa, nước tẩy rửa…
- Để tránh nhiễm các bệnh viêm đường hô hấp cấp, trẻ cần được giữ ấm, quàng khăn, mang khẩu trang để tránh gió bụi mỗi khi ra đường.

- Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi, nếu bị ho hãy pha nước ấm với chanh, mật ong cho trẻ uống sẽ giảm ho và đau họng.
- Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu các triệu chứng cảm cúm kéo dài hoặc trẻ có biểu hiện như sốt cao, co giật, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, khò khè, khó thở, tím tái…
Nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh
Những ngày Tết cha mẹ nào cũng bận rộn mà trẻ thì thường tò mò và hiếu động nên rất dễ gặp nguy hiểm do té ngã, hóc dị vật, bỏng, hay điện giật. Do đó, cha mẹ cần chú ý:
- Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, không nên ném vỏ hạt dưa, hạt bí xuống sàn nhà vì trẻ có thể nhặt và cho vào miệng
- Không cho trẻ chơi những viên bi nhỏ, hạt cườm hay ăn trái cây nếu chưa được lấy bỏ hạt.
- Không đút cho trẻ ăn khi trẻ đang khóc hoặc cười giỡn, không để trẻ vừa ngậm kẹo và nhảy múa trên ghế/giường vì các hạt này sẽ lọt vào đường thở của trẻ. Trong tình huống này bé có thể tử vong nhanh chóng do bị bít tắc đường thở nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Không để trẻ chơi gần bếp và ống bô xe máy đề phòng trẻ bị bỏng
- Phích nước nóng, nồi canh nóng, các vật dễ cháy nổ như gas, cồn, diêm, bật lửa, đèn dầu để nơi an toàn, trẻ không sờ, với được.
- Ổ điện để trên cao, ở nơi an toàn cho trẻ không sờ với tới được đề phòng điện giật.
Để có một cái Tết trọn vẹn và gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn và chủ động phòng tránh những bệnh lý và tai nạn thường gặp trong ngày lễ Tết.
Phòng khám Cây Thông Xanh