Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Trẻ sinh đủ ngày đủ tháng được tính từ tuần thứ 37 trở đi. Tuy nhiên, tùy vào sức khỏe của người phụ nữ và lần mang thai đầu hoặc thứ hai, thời gian sinh có thể sớm hoặc muộn hơn.
Cho dù sinh sớm hay sinh muộn, giai đoạn cần chuẩn bị đón cuộc chuyển dạ và sinh nở được tính từ tuần thai thứ 32 trở đi, tức tháng thai thứ 8. Lúc này, cả thai nhi và người mẹ bước vào giai đoạn quan trọng nhất: những tích lũy cuối cùng để chuẩn bị cho chuyển dạ và sinh nở.
Cuộc chuyển dạ đúng thời gian, diễn biến theo tự nhiên, không xẩy ra tai biến cho cả mẹ và con, là điều mong muốn cao nhất. Nếu có hiểu biết đúng, thực hành đúng về dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi trong cuối thai kỳ và chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cho cuộc đẻ tốt, khoảng 95% các cuộc chuyển dạ sẽ đem lại kết quả “mẹ tròn con vuông” và có thể sinh an toàn tại trạm y tế xã. Chỉ một số rất hiếm mới cần đến can thiệp chuyên môn của nhân viên y tế bệnh viện.
Những chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ và cuộc đẻ bao gồm:
- Chuẩn bị của người mẹ về nghỉ ngơi, dinh dưỡng, kiến thức chuyển dạ và tâm lý đón chờ, chịu đựng, và vượt qua cuộc đẻ
- Chuẩn bị của người chồng và thành viên gia đình để đưa người phụ nữ tới cơ sở y tế, phối hợp với y tế hỗ trợ chăm sóc người phụ nữ trong tiến trình chuyển dạ, cuộc đẻ và sau sinh.
Để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ, trong 3 tháng cuối của kỳ mang thai, người phụ nữ cần:
- Nghỉ lao động nặng tối thiểu một tháng trước ngày sinh dự kiến. Những hoạt động kinh tế thường ngày phải được hạn chế tối đa theo nguyên tắc để người sản phụ được nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, và chuyên tâm vào chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé trong những ngày đầu đời.
- Về chế độ dinh dưỡng, bắt đầu từ 3 tháng cuối thai kỳ chế độ ăn của sản phụ phải được ưu tiên theo một chế độ giàu dinh dưỡng hơn, dễ tiêu hơn, ăn nhiều bữa hơn so với sinh hoạt ăn uống thông thường và ăn bữa nhỏ. Thực hiện tốt việc uống bổ sung vi chất chống thiếu máu thiếu sắt và thiếu I ốt, là hai dạng thiếu hụt vi chất phổ biến ở phụ nữ nông thôn. Ăn nhiều rau lá có màu xanh đậm, ăn các loại thịt, cá, tôm, cua để tăng cường can-xi, giúp giảm đau mỏi thắt lưng. Tránh các loại đồ ăn có nhiều chất kích thích như: cà phê, chè, bia, rượu…
- Ngoài ra, một vấn đề các bà mẹ mang thai giai đoạn cuối kỳ cần lưu ý là uống đủ nước và chống ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm do thuốc trừ sâu, dư lượng chất bảo vệ thực vật dùng trong bảo quản chế biến thực phẩm là nguy cơ lớn nhất gây chuyển dạ bất thường hoặc ngộ độc thai nhi trong giai đoạn này. Thực phẩm dùng trong giai đoạn có thai phải được kiểm soát đảm bảo về nguồn gốc an toàn. Tốt nhất, là gia đình tự trồng lấy rau, tự làm giá đỗ, hoặc liên hệ với những gia đình có khả năng sản xuất rau thực phẩm sạch để mua trực tiếp, hạn chế tối đa mua dùng thực phẩm trôi nổi ngoài chợ. Không được dùng các phụ gia công nghiệp như mì chính, bột nêm, … vì các loại này chứa nhiều phụ gia công nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thần kinh của thai nhi. Trong giai đoạn mang thai và đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ, nên nấu ăn bằng muối trắng, muối trộn I ốt, sử dụng các loại mắm tự làm hoặc biết chắc chắn nguồn gốc làm sạch như mắm tép, mắm tôm, tương, nước mắm cá, người dân làm theo phương pháp truyền thống.
- Học cách tập thở, chuẩn bị tâm lý và hiểu biết để phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển dạ là những kiến thức cần thiết phụ nữ mang thai giai đoạn cuối kỳ cần có. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn những kiến thức này trong phần sau.
Phòng khám Cây Thông Xanh