Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh của bé thì bên cạnh nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ, bé cần được bổ sung thêm dinh dưỡng từ việc ăn dặm/ ăn bổ sung. Xác định đúng thời điểm cho bé ăn dặm giúp bé có được dinh dưỡng tối ưu nhất.
Một câu hỏi mà nhiều Bà mẹ đặt ra: tại sao sang tháng thứ 6 mới cho trẻ ăn dặm? Tại sao không thể cho trẻ ăn dặm sớm hơn? Nếu cho trẻ ăn dặm lúc 2 hoặc 3 tháng sẽ có ảnh hưởng gì?
Tại sao không nên cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng?
Câu trả lời thật đơn giản: Do trẻ mới sinh ra và trong 4 -6 tháng đầu còn rất non nớt, hệ tiêu hóa chưa được phát triển hoàn thiện, các men tiêu hóa tinh bột còn rất ít chưa đủ để tiêu hóa hết các chất bột đưa vào, do vậy nếu các Bà mẹ cho trẻ ăn dặm sớm, chất bột ứ thừa trong bụng trẻ lên men chua sẽ gây tiêu chảy nặng. Hơn nữa vào giai đoạn này trẻ vẫn rất cần tiếp tục bú sữa mẹ để trẻ tích lũy các chất kháng khuẩn, đến 6 tháng trẻ mới đủ lượng chất kháng khuẩn này. Trong khi chất này trẻ chưa tích đủ mà đã phải ăn bột, nước cháo, rau sớm, nếu chỉ cần sơ xảy, gây mất vệ sinh, trẻ ăn vào sẽ mắc bệnh ngay, rất nguy hiểm.
Lúc mới sinh, dạ dày trẻ em nhỏ xíu, chỉ chứa được 30-35ml, lúc 3 tháng tuổi có thể chứa được 100ml và đạt 250ml khi trẻ được 1 tuổi. Các lớp cơ dạ dày phát triển còn yếu, co thắt bất thường nên trẻ dễ bị nôn trớ. Thành phần dịch vị của trẻ giống người lớn nhưng số lượng và chất lượng kém hơn. Độ pH trong dịch dạ dày của trẻ nhỏ dưới 6 tháng chỉ thích hợp trong tiêu hóa, hấp thụ các thành phần đường lác-tô và đạm trong sữa mẹ hơn là từ sữa bò và càng khó có thể hấp thu chất đạm động vật và tinh bột đến từ nguồn cháo bột.
Trước kia nhiều bà mẹ có phong trào cho con ăn bột sớm, ngay từ khi mới 2-3 tháng tuổi, hậu quả khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Tại sao không nên cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng?
- Nếu cho bé ăn dặm quá muộn sẽ dẫn đến tình trạng bé không nhận được các thức ăn thêm cần thiết để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cao của bé làm bé chậm lớn và chậm phát triển, dễ có nguy cơ thiếu vi chất và suy dinh dưỡng.
- Cho bé ăn dặm đúng thời điểm sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ dàng hơn vì bé sẽ dễ hợp tác hơn. Đồng thời, đến tháng thứ 6, trẻ mới có đủ kỹ năng về vận động miệng lưỡi để có thể nuốt được thức ăn đặc, khác với chất lỏng là sữa như trước đây trẻ chỉ cần phản xạ mút.
Những dấu hiệu cho biết bé đã sẵn sàng ăn dặm?
Việc xác định thời điểm cho bé ăn dặm, ngoài việc căn cứ vào tháng tuổi của bé, cha mẹ cần kết hợp quan sát các biểu hiện bé, nếu thấy bé có các dấu hiệu sau thì chứng tỏ bé đã sẵn sàng ăn dặm:
- Sau khi bú no bé vẫn khóc và đòi bú nữa
- Bé tự giữ đầu thẳng
- Thích nhìn người khác ăn và với tay lấy thức ăn
- Thích đưa thứ gì đó vào miệng
- Có thể điều chỉnh lưỡi tốt hơn để đưa thức ăn di chuyển trong miệng
- Bắt đầu nhai và dịch chuyển hàm lên xuống
Trước khi cho bé ăn dặm, cha mẹ nên tìm hiểu phương pháp cho bé ăn dặm đúng cách và tuân thủ các nguyên tắc khi tập cho trẻ ăn dặm, để hình thành thói quen ăn uống tốt cho con sau này.