Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Tiêm chủng (còn gọi là chúng/ Chích ngừa) là một cách để làm cho con người miễn nhiễm và ngăn ngừa với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lây truyền và phát dịch ở trẻ em. Tiêm chủng là cách phòng bệnh dịch đặc biệt và hiệu quả nhất.
Cơ thể trẻ muốn khỏe mạnh và ít bệnh tật cần có hệ thống bảo vệ tốt. Đó là hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch khỏe mạnh của trẻ khi được tiêm chủng đầy đủ sẽ nhận ra vi khuẩn xâm nhaajo và vi-rút, và sản xuất các chất (kháng thể) để tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa chúng. Tiêm chủng nghĩa là chuẩn bị hệ thống miễn dịch để phòng bệnh.
Tiêm chủng là chủ động tạo miễn dịch với bệnh tật bằng cách đưa một lượng nhỏ thành phần vi trùng hoặc một loại vi trùng đã giết chết vào cơ thể, kích thích cơ thể tự sinh ra kháng thể riêng có hiệu lực chống lại bệnh do vi trùng gây ra. Cách thức này gọi là miễn dịch chủ động, phòng chống các bệnh lây nhiễm. Những thành phần đưa vào cơ thể gọi là vắc – xin.
Hệ miễn dịch của trẻ được hình thành và hoàn thiện chủ yếu trong 36 tháng đầu đời. Trong đó 6 tháng đầu tiên trẻ được bảo vệ bằng kháng thể từ nhau thai và nguồn sữa mẹ (nếu trẻ được nuôi bằng sữa mẹ). Miễn dịch này là thụ động và mất dần theo tháng tuổi trẻ lớn lên.
Vì vậy, trẻ cần được tiêm chủng để tạo miễn dịch chủ động của chính cơ thể trẻ với các bệnh lây nhiễm. Tiêm chủng đầy đủ, đúng độ tuổi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Ngoài quá trình tiêm chủng ban đầu, người ta thấy rằng hiệu quả của tiêm chủng có thể được cải thiện bằng cách tiêm lặp lại định kỳ theo độ tuổi cho đến khi trưởng thành.
TIÊM CHỦNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG BAO GIỜ BỊ MẮC BỆNH: ĐÚNG HAY SAI?
Hầu hết các vắc-xin tiêm chủng có hiệu lực khoảng 85% – 95% các trường hợp được tiêm. Không có vắc-xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%.
Tiêm đúng, tiêm đủ mũi các loại vắc-xin phòng bệnh lây nhiễm không những bảo vệ cho trẻ khỏi bị bệnh đó mà còn góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Tiêm chủng giúp trẻ giảm thiểu những rủi ro về tử vong, biến chứng, di chứng do các bệnh truyền nhiễm gây ra so với nhóm không tiêm. Trường hợp đã tiêm chủng, nếu có mắc bệnh thì mức độ bệnh nhẹ hơn những trường hợp không tiêm.
Tài liệu tham khảo Sách Nuôi con không áp lực (Cuốn số 2)