Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Với những gia có đình có trẻ nhỏ, chứng khóc về đêm ở trẻ sơ sinh luôn là “nỗi ám ảnh không có lối thoát”. Theo các bác sĩ, hiện tượng khóc về đêm có thể xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một số trường hợp là khóc dạ đề thực sự, còn hầu hết là khóc do mắc bệnh lý như bệnh còi xương, bệnh lồng ruột và trào ngược dạ dày.
Khóc do bệnh lý thể hiện như thế nào?
Trẻ ngủ đêm, hay giật mình tỉnh giấc và khóc dai dẳng, ỉ eo. Trẻ khóc nhiều về đêm, có đêm khóc, có đêm không. Trẻ hay đổ mồ hôi trộm về đêm. Đó có thể là dấu hiệu trẻ bị còi xương. Bệnh này thường làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu, sinh ra quấy khóc trong thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo hoặc trẻ được chăm sóc trong phòng kín, thiếu ánh sáng nên bị thiếu vitamin D.
Ngoài ra, trẻ khóc về đêm có thể là biểu hiện trẻ bị lồng ruột. Trẻ khóc dữ dội, có thể kèm theo triệu chứng nôn, khóc thét lên, ưỡn người, bỏ bú và đi ngoài ra máu. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một nguyên nhân khiến trẻ hay khóc đêm. Trẻ có biểu hiện đau rõ rệt, khóc liên tục hoặc đột nhiên la hét sau khi bú mẹ hoặc bú bình. Trẻ hay cáu kỉnh, nôn mửa thường xuyên sau ăn. Hiện tượng này xảy ra với trẻ bú sữa bình là chủ yếu. Nguyên nhân là do hệ thống tiêu hóa chưa phát triển khỏe mạnh hoặc cũng có thể do sữa và chất rắn được trộn với axit trong dạ dày trào lên theo đường thực quản và gây ra trào ngược hoặc ợ nóng. Trong hầu hết các trường hợp, không cần các can thiệp y khoa, trẻ sẽ tự khỏi khi lớn lên. Một số trường hợp nặng cá biệt cần có sự can thiệp dùng thuốc điều trị, theo chỉ định của bác sỹ. Đối với trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, cha mẹ không nên cho con bú no ở bữa tối và đêm.
Khóc dạ đề là gì?
Khóc dạ đề hay khóc cơn kéo dài, trong y khoa họi là cơn khóc do co thắt ruột. Đây là sự thay đổi làm trẻ khỏe mạnh. Trẻ khóc dữ dội đột ngột vào chiều tối hoặc ban đêm, từ lúc 3 tuần tuổi cho đến 3 tháng tuổi. Hiện tượng khóc dạ đề thường xảy ra do tăng nhu động ruột. Bình thường, nhu động ruột điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một yếu tố nào đó làm nhu động tăng lên, không đều, gây đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, và khóc hết cơn thì thôi.
Thời gian khóc thường kéo dài 5 phút nhưng cũng có khi nửa tiếng và có thể lặp lại hằng đêm, ban ngày trẻ vẫn ăn, ngủ tốt. Cá biệt, có một số trường hợp cơn khóc có thể kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ được hơn 3 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường, chứng khóc dạ đề sẽ hết.
Chăm sóc trẻ khóc dạ đề
Hiện nay khoa học chưa thể lý giải được cơn khóc dạ đề và biện pháp điều trị. Các bác sỹ chỉ có thể khuyên các gia đình áp dụng các biện pháp dưới đây để làm nhẹ cơn khóc của trẻ:
Cho bú: Có thể cho trẻ bú mẹ hoặc một bình sữa ấm, và cho trẻ ợ hơi thường xuyên. Thường thì việc này sẽ làm trẻ no và ấm bụng, từ đó sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Tắm nước ấm: Cho trẻ tắm với nước ấm trước giờ ngủ tối, vừa tắm cho trẻ, vừa mát xa nhẹ nhàng và hát vui vẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy thoải mái, thích thú và buồn ngủ. Sau khi tắm xong, hãy mặc cho trẻ bộ quần áo rộng rãi, thoải mái. Hãy bật bản nhạc ngủ của trẻ để kích thích ngủ say.
Làm ấm: Mua một túi chườm và đổ vào đó nước ấm (tuyệt đối không dùng nước nóng sôi). Bạn có thể dùng nó để chườm lên bụng cho con, sự ấm áp này sẽ có tác dụng làm trẻ cảm thấy dễ chịu. Ngoài ra, bạn có thể dùng 2-3 lá trầu không hơ nóng nhẹ và đắp vào bụng con.
Chuyển động: Đung đưa trẻ một cách nhẹ nhàng cũng là phương pháp làm giảm “khó chịu” một cách hiệu quả. Bạn có thể đung đưa con trong lòng mình, bế đứng, áp đầu trẻ lên vai bạn hoặc cho trẻ vào xe đẩy, đẩy đi lại trong nhà… Tất cả những cách trên đều được, miễn là bạn đung đưa thật nhẹ nhàng, đều đặn, có nhịp điệu. Những chuyển động ấy giúp trẻ buồn ngủ và phân tán cơn đau bụng.
Phòng khám Cây Thông Xanh