Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Rối loạn thích ứng là rối loạn ngắn hạn về mặt cảm xúc và hành vi, khi trẻ phải đối mặt với các yếu tố gây căng thẳng và những thay đổi lớn trong cuộc đời. Trong khi một số trẻ khá kiên cường với những biến cố này thì một số khác phải vật lộn để phục hồi. Những trẻ này cảm thấy buồn rầu và gặp nhiều khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Rối loạn thích ứng xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nội dung:
- Nguyên nhân
- Triệu chứng
- Phân loại
- Nguy cơ tự tử
- Xử trí
- Lựa chọn quy trình điều trị
- Liệu pháp tâm lý
1. Nguyên nhân
Rối loạn thích ứng bắt nguồn từ phản ứng không thích hợp với stress. Có nhiều loại stress có thể dẫn đến rối loạn thích ứng ở trẻ em, ví dụ:
- Cha mẹ ly dị: Trẻ đối mặt với ly hôn có thể trải qua nhiều thay đổi, bao gồm thay đổi điều kiện sống hoặc sự vắng mặt của cha hoặc mẹ.
- Chuyển chỗ ở: Việc chuyển nhà tới một khu vực lân cận trong cùng thành phố hay chuyển tới một thành phố hoàn toàn mới lạ đều có thể khiến trẻ phải vật lộn để thích ứng với các thay đổi.
- Chuyển trường: Việc chuyển cấp (từ tiểu học lên THCS, từ THCS lên THPT, hay từ phổ thông lên đại học) hoặc chuyển tới một ngôi trường mới trong cùng thành phố cũng đồng nghĩa với những thay đổi về bạn bè, áp lực học tập và xáo trộn lớn về thói quen của trẻ.
- Bệnh tật: Những bệnh lý mới được chẩn đoán ở trẻ hay ở cha mẹ đều có thể gây căng thẳng rất khó xử lý đối với trẻ.
- Cái chết của người thân
- Thảm họa bất ngờ, bao gồm cả thiên tai
- Rắc rối ở gia đình
- Rắc rối ở trường học
- Rắc rối về tình dục.
Stress dẫn tới rối loạn thích ứng có thể là sự kiện xảy ra một lần (ví dụ sự qua đời của người thân mà trẻ vô cùng yêu quý) hoặc một tình huống kéo dài (chẳng hạn bị bắt nạt liên tục ở trường học).
Tuy nhiên, không phải trẻ nào trải nghiệm sự kiện căng thẳng cũng đều bị rối loạn thích ứng. Và những gì một đứa trẻ coi là căng thẳng có thể không phải là việc lớn đối với trẻ khác. Vì vậy, trong khi một trẻ có thể bị rối loạn thích ứng sau khi cha mẹ ly thân, một trẻ khác lại không có phản ứng này. Kỹ năng xã hội và kỹ thuật đối phó với căng thẳng có thể giúp phòng ngừa rối loạn thích ứng. Người biết chấp nhận hoàn cảnh thường dễ dàng điều chỉnh được rối loạn này, ngược lại nếu các yếu tố gây stress không được giải quyết thỏa đáng thì rối loạn thích ứng mạn tính có thể xuất hiện.
2. Triệu chứng
Một chút khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh mới hoặc một tình huống căng thẳng là chuyện hoàn toàn bình thường, có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào. Rối loạn thích ứng sẽ chỉ được chẩn đoán khi sự sa sút của trẻ vượt ra ngoài những gì được coi là bình thường đối với hoàn cảnh đó.
Tự sự của một nữ sinh lớp 10 tại Hà Nội:
“Mọi chuyện với em giờ thực sự rất tệ… Tính em vốn nhút nhát, không biết nói chuyện, bước vào một môi trường mới hoàn toàn xa lạ mà em không quen bất kì ai, em cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc hòa đồng với lớp dù đã rất cố gắng. Sau mấy sự kiện đầu năm của trường, các bạn đều đã trở nên rất thân thiết, chỉ có mình em vẫn đơn độc, ngồi thu mình lặng lẽ trong khi mọi người chuyện trò vui vẻ, bạn ngồi cạnh cũng chỉ nói chuyện được đôi ba câu. Dù mọi người rất tốt, nhưng có lẽ em không thể trở thành một phần của họ được. Rồi còn áp lực học hành, thi cử, điểm số sút dần khiến em vô cùng thất vọng. Em không biết phải làm thế nào nữa…” |
Trẻ bị rối loạn thích ứng có thể có các dấu hiệu cảm xúc (trải nghiệm tâm trạng u buồn, lo lắng…) hoặc các thay đổi hành vi (hút thuốc lá hay uống rượu để đối phó với căng thẳng). Những dấu hiệu này gây đau khổ nhiều hơn mức dự đoán và ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ ở trường, ở nhà và ngoài xã hội. Trẻ có thể bị sụt giảm điểm số, gặp khó khăn trong việc duy trì tình bạn, không muốn đi học. Thanh thiếu niên có thể thể hiện hành vi chống đối xã hội, chẳng hạn phá hoại hoặc trộm cắp…
Trẻ bị rối loạn thích ứng thường xuyên có những than phiền về thể lực như kêu đau bụng, đau đầu. Trẻ cũng hay cảm thấy mệt mỏi và có rối loạn giấc ngủ.
Một số dấu hiệu tâm lý và thể chất hay gặp trong rối loạn thích ứng:
- Căng thẳng
- Cảm thấy buồn hoặc vô vọng, khóc lóc hoặc thu mình
- Hành vi thách thức hoặc bốc đồng, bao gồm phá hoại và trễ nải việc học ở trường
- Tác phong bồn chồn lo lắng hoặc căng thẳng
- Rối loạn nhịp tim (mất một số nhịp timqua), co giật, run rẩy hoặc các triệu chứng thực thể khác.
Đây chưa phải danh sách đầy đủ nhưng nó có thể giúp xác định liệu một triệu chứng thực thể hay tâm lý có phải là phản ứng với stress hay không. Các triệu chứng trong rối loạn thích ứng phải xuất hiện sớm ngay sau sự kiện gây căng thẳng, nặng nề hơn dự kiến, không phải là một phần của bệnh lý khác, và không có bất kỳ lời giải thích hợp lý nào.
Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau tác động của yếu tố gây stress và thoái triển sớm sau khi không còn các tác động căng thẳng nữa hoặc khi cá thể có được sự thích nghi phù hợp. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau 6 tháng thì trẻ hội đủ điều kiện cho một rối nhiễu tâm trí khác, chẳng hạn trầm cảm hay rối loạn lo âu.
3. Phân loại
Tùy theo triệu chứng và hành vi cảm xúc chủ đạo của trẻ sau stress, rối loạn hành vi thích ứng được phân thành các dạng:
- Với phản ứng trầm cảm: trẻ có thể có các cơn khóc lóc, mất hứng thú với các hoạt động bình thường, cảm giác tuyệt vọng và nỗi buồn gia tăng.
- Với phản ứng lo âu: trẻ có thể bị sợ hãi, lo lắng hơn bình thường. Sự lo lắng có thể biểu hiện bằng nỗi lo chia lìa (buồn phiền về việc bị tách khỏi người chăm sóc).
- Với phản ứng trầm cảm và lo âu hỗn hợp: trẻ có đồng thời phản ứng trầm cảm và phản ứng lo âu.
- Với rối loạn ưu thế về hành vi: trẻ có hành vi thay đổi nhưng khí sắc vẫn như trước. Trẻ bắt đầu có các hành vi thách thức, chống đối như trốn học, trộm cắp, đập phá, lái xe bừa bãi, đánh nhau…
- Với rối loạn cảm xúc và hành vi hỗn hợp: trẻ bị rối loạn sắc khí hoặc lo âu, đi kèm các biểu hiện thay đổi hành vi.
- Không đặc hiệu: trẻ gặp khó khăn khi đối phó với một sự kiện căng thẳng nhưng không hoàn toàn đáp ứng tiêu chí của bất kỳ dạng rối loạn thích ứng nào nêu trên.
Cha mẹ cần lưu ý, khi con của bạn được kết luận mắc chứng Rối loạn thích ứng với phản ứng trầm cảm thì không có nghĩa là bé mắc Rối loạn trầm cảm, một rối nhiễu tâm trí khác, nặng nề hơn.
4. Nguy cơ tự tử
Mặc dù rối loạn thích ứng là rối loạn ngắn hạn nhưng nó vẫn có thể khá nghiêm trọng. Khoảng 25% trẻ lứa tuổi teen bị rối loạn thích ứng có ý nghĩ tự tử hoặc tìm cách tự tử, trong đó trẻ gái chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ trai.
Nếu con bạn có suy nghĩ muốn chết hoặc tự làm đau mình, hãy nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Đừng bao giờ chủ quan nghĩ rằng con làm vậy để gây ấn tượng hoặc thu hút sự chú ý. Hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý để tìm sự trợ giúp.
5. Xử trí
Các triệu chứng của rối loạn thích ứng có thể bắt đầu rất chậm chạp. Con bạn có thể kêu đau bụng trong tuần đầu tiên và khóc lóc không chịu đi học vào tuần tiếp theo. Đừng tặc lưỡi cho qua những thay đổi tâm trạng và hành vi này và coi chúng là biểu hiện của một giai đoạn phát triển. Nếu không được can thiệp kịp thời, các triệu chứng của rối loạn thích ứng có thể trở nên ngày càng tồi tệ.
Nếu bạn lo lắng về tâm trạng hay hành vi của con, hãy hỏi thầy cô giáo, gia sư hay người chăm sóc trẻ xem họ có nhận thấy điều gì bất thường ở trẻ không. Những người này có thể giúp bạn biết rõ liệu con có gặp rắc rối trong những lĩnh vực khác không.
Nếu bạn nhận thấy những thay đổi tâm trạng và hành vi của con, và những thay đổi này kéo dài hơn 2 tuần, hãy lấy hẹn với bác sĩ nhi khoa, chia sẻ những lo ngại của mình và bàn luận về các giải pháp bạn có thể áp dụng.
Kể cả nếu bạn chẳng tìm thấy sự kiện căng thẳng nào mà con phải đối diện, trẻ vẫn có thể có rối loạn thích ứng từ một sự kiện đã xảy ra. Có thể đã xảy ra chuyện gì đó ở trường học, ở nhà người quen khi trẻ tới chơi. Hoặc một sự kiện bạn không cho là căng thẳng nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đến con.
Và kể cả nếu đó không phải là rối loạn thích ứng, sự thay đổi tâm trạng và hành vi của trẻ cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý khác. Bác sĩ nhi khoa sẽ loại trừ các vấn đề bệnh lý thực thể có thể ẩn sau những thay đổi này và chuyển bé đến bác sĩ tâm lý nếu cần thiết.
6. Lựa chọn quy trình điều trị
Vì rối loạn thích ứng là một phản ứng tâm lý đối với tác nhân gây căng thẳng, quy trình điều trị được chấp thuận rộng rãi nhất hiện nay bao gồm xác định yếu tố gây căng thẳng và giúp trẻ chia sẻ một cách hiệu quả về tác nhân này. Tiếp theo, trẻ có thể tìm cách vượt qua tác nhân gây căng thẳng và các vấn đề liên quan. Nếu tác nhân gây căng thẳng được loại bỏ, giảm nhẹ hay được hỗ trợ, đáp ứng kém thích nghi của trẻ cũng sẽ giảm bớt hay được loại bỏ.
Vì vậy, điều trị rối loạn thích ứng thường bao gồm biện pháp tâm lý trị liệu nhằm:
- Giảm bớt hay loại bỏ tác nhân gây căng thẳng.
- Hoặc cải thiển khả năng đối phó của trẻ.
Điều trị rối loạn thích ứng cần được điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ, dựa trên lứa tuổi, sức khỏe và tiền sử bệnh tật. Hiện tại vẫn chưa có đồng thuận về một quy trình điều trị rõ ràng. Lựa chọn điều trị là quyết định lâm sàng được đưa ra bởi bác sĩ điều trị và bệnh nhân. Tuy nhiên, do rối loạn thích ứng chỉ mang tính ngắn hạn nên liệu pháp tâm lý ngắn hạn thường được ưu tiên so với liệu pháp tâm lý dài hạn.
7. Liệu pháp tâm lý
Tâm lý liệu pháp là điều trị lựa chọn cho rối loạn thích ứng vì các triệu chứng là phản ứng trực tiếp với một tác nhân gây căng thẳng đặc biệt. Tuy nhiên, hình thức trị liệu phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ, tập trung tháo gỡ các tác nhân gây căng thẳng và giải quyết vấn đề khúc mắc.
Trị liệu qua mối quan hệ cá nhân (Interpersonal psychotherapy) là liệu pháp tâm lý nhận được nhiều sự ủng hộ nhất trong điều trị rối loạn thích ứng. Liệu pháp này đã được chấp thuận rộng rãi trong điều trị chứng trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Trị liệu qua mối quan hệ cá nhân giúp trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên giải quyết khúc mắc trong quan hệ với các thành viên gia đình và bạn bè. Chuyên gia tâm lý sẽ làm việc một-một với trẻ và gia đình. Nghiên cứu cho thấy trẻ vị thành niên tham gia trị liệu qua mối quan hệ cá nhân giảm đáng kể các biểu hiện trầm cảm và có tiến bộ rõ rệt trong hoạt động xã hội. Những cải thiện lớn nhất được nhận thấy ở những trẻ vị thành niên có độ tuổi lớn hơn và bị trầm cảm nặng nề hơn.
Tóm tắt các phương pháp trị liệu trong Rối loạn thích ứng ở trẻ em
Các biện pháp có vẻ hiệu quả | |
Trị liệu qua mối quan hệ cá nhân (Interpersonal psychotherapy) | Giúp trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên giải quyết rắc rối để giảm nhẹ triệu chứng trầm cảm. |
Trị liệu hành vi nhận thức
(Cognitive-Behavior psychotherapy) |
Nâng cao các kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp và xử lý stress phù hợp với lứa tuổi.
Cải thiện tình trạng cảm xúc và củng cố khả năng thích ứng của trẻ. |
Xử lý stress | Đặc biệt hiệu quả trong trường hợp bị căng thẳng nặng nề và giúp trẻ xử lý stress theo cách lành mạnh. |
Trị liệu nhóm | Trị liệu nhóm cho các trẻ giống nhau hoặc các trẻ có xung đột giúp các thành viên của nhóm đối phó tốt hơn với nhiều biểu hiện khác nhau của rối loạn thích ứng. |
Trị liệu gia đình | Cần thiết để nhận dạng những điều cần thay đổi trong hệ thống gia đình, ví dụ cải thiện kỹ năng giao tiếp và tương tác gia đình, gia tăng sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình. |
Biện pháp không có tác dụng | |
Dùng thuốc một mình | Hiếm khi thuốc được dùng một mình vì nó không giúp trẻ học được cách đối phó với căng thẳng. |
Trẻ có thể làm việc với chuyên gia tâm lý để khắc phục các triệu chứng của rối loạn thích ứng. Thường thì việc điều trị sẽ bao gồm trò chuyện trị liệu để giúp nhận dạng và thậm chí là thay đổi các nhân tố gây căng thẳng trong cuộc đời của trẻ.
Trong trị liệu hành vi nhận thức, chuyên gia sẽ giúp trẻ nhận dạng các cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực rồi chỉ cho trẻ cách chuyển chúng thành những suy nghĩ và hành động tích cực, lành mạnh.
Gia đình cũng có thể áp dụng các biện pháp sau để giúp trẻ giảm căng thẳng:
- Tạo không khí thoải mái, tin tưởng và khuyến khích con chia sẻ về sự căng thẳng.
- Giúp con xây dựng một chế độ ăn lành mạnh.
- Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ.
- Động viên con thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất và tìm cho mình một hoạt động yêu thích.
- Thể hiện sự thông cảm và sẵn sàng hỗ trợ con.
- Giải thích để con hiểu rằng những phản ứng của trẻ là chuyện thường gặp.
- Liên hệ với giáo viên để theo dõi tiến bộ của con ở trường.
Bs. Trần Thu Thủy
Phòng khám Cây Thông Xanh
Tài liệu tham khảo
https://www.verywellmind.com/what-is-an-adjustment-disorder-in-children-4134257
http://vcoy.virginia.gov/documents/collection/019%20Adjustment2.pdf
https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P01573