Tin tức
Đặt lịch hẹn, tư vấn
Xử lý cơn khóc của trẻ như thế nào?
Tiếng khóc của trẻ báo hiệu những “vấn đề” mà cha mẹ cần tìm hiểu và dỗ dành. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ khóc và cha mẹ cần phải xử trí cơn khóc của trẻ như thế nào? Trừ trường hợp trẻ bị bệnh và đang phải điều trị, hoặc trẻ ghét bị nhỏ thuốc mắt thuốc mũi, khóc là chuyện bình thường, bạn cần ôm ấp vỗ về chăm sóc trẻ nhiều hơn. Các cơn khóc khác của trẻ cần được cha mẹ tìm hiểu và xử trí theo các thứ tự ưu tiên sau đây:
- Trẻ bị đói: Những dấu hiệu ngoài khóc thét, trẻ còn liếm mép, miệng nhóp nhép, liếm liếm, “mừng húm” khi có một vật gì đó “bay” qua miệng. Tiếng khóc đòi ăn của trẻ chiếm phần lớn. Chỉ cần có “ti mẹ” hoặc một bình sữa ấm áp, trẻ sẽ dịu giọng và ngoan ngoãn ngay.
- Tã bỉm bẩn: Một số trẻ không chịu được cảm giác tã bỉm nhớp nháp. Do vậy để xử trí cơn khóc của trẻ cha mẹ chỉ cần thay tã mới, trẻ vui vẻ ngay. Khi thấy bỉm hoặc tã nặng hoặc có mùi hôi, cần thay ngay.
- Trẻ lạnh quá hoặc nóng quá: Trẻ mới sinh thường được ủ trong nhiều lớp quần áo, tã, khăn hơn bình thường. Các bà mẹ cứ nghĩ trẻ sẽ lạnh, không đủ ấm vì “không khí bên ngoài sẽ lạnh hơn so với khi trẻ ở trong bụng, cách tốt nhất là mặc nhiều quần áo” và quấn nhiều lớp chăn. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Việc trẻ bị ủ ấm quá mức dù trong thời tiết nóng hay lạnh đều không ổn, điều này khiến trẻ ra nhiều mồ hôi, gây bệnh. Tốt nhất bạn nên lấy tay sờ gáy và ngực trẻ, nếu không có mồ hôi thì không sao, nếu có, đây có thể là lý do trẻ khóc.
- Trẻ ngạt mũi: vào mùa đông hoặc mùa hanh khô, trẻ dễ bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Khi đó, trẻ sẽ khó chịu vì mũi bị tắc, ngạt, khiến trẻ khó thở. Có nhiều dỉ mũi cũng khiến trẻ khó chịu và quấy khóc. Trẻ cố gắng thở bằng cách căng các cánh mũi và mặt có thể đỏ hồng lên. Cha mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi trẻ ngày 2 – 4 lần, đặc biệt trước khi đi ngủ. Nếu bị ngạt nặng và chảy nước mũi, nên dùng dụng cụ hút mũi bằng cao su hoặc đơn giản dùng miệng cha mẹ để hút mũi cho con.
- Trẻ bị khó chịu do vật lạ hoặc côn trùng cắn: Trong trường hợp này, để xử trí cơn khóc của trẻ, cha mẹ cần kiểm tra xem có vật lạ nào trên người trẻ không. Có thể là một mẩu giấy, một sợi chỉ dính lên người trẻ, thậm chí là bố mẹ đeo tất chật quá cho con, ngứa da do mặc áo len có lông xù… tất cả điều này đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ khó chịu. Nếu trẻ khóc thét bất thường, cần cởi tất cả quần áo tất mũ để kiểm tra toàn thân trẻ.
- Trẻ bị táo bón: Trẻ ăn sữa ngoài thường hay bị táo bón. Những lúc khó ị, trẻ “rặn” đỏ bừng mặt nhưng không ăn thua và bắt đầu khóc. Cha mẹ nên nói chuyện với trẻ, động viên trẻ rặn, đồng thời xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, giúp tăng nhu động ruột của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần có phương án cho con uống thật nhiều nước và bổ sung thêm nước ép hoa quả để phòng ngừa chứng táo bón sau này.
- Trẻ bị hăm tã hay hăm mông: Khi bị hăm, trẻ thường cảm thấy rát. Cha mẹ hãy tháo tã, lau sạch toàn diện cho trẻ, và cứ để trẻ nằm không tã cả ngày. Ngay khi được nằm thoải mái, bạn sẽ thấy trẻ ngưng khóc. Cha mẹ cần thực hiện các biện pháp điều trị chứng hăm tã.
- Trẻ mệt mỏi và buồn ngủ: trẻ đã no bụng, bỉm thông thoáng, sạch sẽ, mắt bắt đầu nặng trĩu, trong khi xung quanh gia đình vẫn ồn ào náo nhiệt, ánh sáng chói lòa, trẻ khóc để biểu lộ nhu cầu muốn nằm riêng, yên tĩnh hơn.
- Trẻ hoảng sợ: Trẻ sơ sinh rất hay bị giật mình, đơn giản chỉ bởi môi trường xung quanh còn lạ lẫm, khó hiểu quá. Tiếng hắt xì hơi quá to của ông, tiếng chó kêu gào ngoài xóm hay tiếng bô xe máy rít phì phì ngoài đường cũng khiến trẻ giật nảy mình thảng thốt và khóc váng nhà. Để xử trí cơn khóc của trẻ, lúc này cha mẹ nên ôm chặt trẻ, vỗ nhẹ vào lưng và mông trẻ để trấn an.
- Trẻ bị tưa lưỡi: Bệnh nấm lưỡi (thường gọi tưa lưỡi) là bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh xuất hiện vì cha mẹ vệ sinh răng miệng trẻ không tốt. Nấm trong khoang miệng bắt đầu sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh. Trẻ sẽ đau và khóc mỗi khi ăn hoặc bú. Cha mẹ nên cho trẻ nhỏ uống nước tráng miệng sau khi bú bình hoặc ăn bột. Nếu bú mẹ hoàn toàn thì không cần tráng miệng. Chúng tôi đã hướng dẫn cha mẹ cách xử lý bệnh tưa lưỡi ở bài 9.
- Trẻ đau mọc răng: Khi thấy trẻ hay khóc kèm theo những triệu chứng thích gặm cắn đồ vật, cáu kỉnh, chảy dãi, khóc nhè, ngủ không sâu… trẻ không hề ốm nhưng lúc nào tâm trạng cũng khó chịu, bạn hãy kiểm tra lợi và răng của trẻ. Tốt nhất, bạn cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ gặm các đồ ăn mềm như thanh cà rốt hoặc su hào su su luộc.
- Trẻ muốn được ôm ấp vỗ về: Sau khi no bụng, bạn vẫn thắc mắc vô cùng không hiểu tại sao con lại khóc. Đơn giản, trẻ muốn được gần gũi, âu yếm, cưng nựng một vài phút, trước khi dần dần đi vào giấc ngủ.
- Trẻ chán bị ngồi nằm mãi ở một tư thế: Trẻ sẽ kêu nhỏ, rồi kêu to hơn, nếu không được đáp ứng, trẻ sẽ khóc và oằn người ra. Cách tốt nhất là hãy chuyển sự tập trung của trẻ sang vấn đề khác. Bạn hãy bế trẻ ra ngoài trời, ngắm trời, cây cỏ, ngắm người xe qua lại, con vật thú nuôi, vừa xem vừa nói chuyện. Nếu trời lạnh và bạn không thể bế trẻ ra ngoài, hãy bế trẻ nhìn cùng hướng với bạn, cho trẻ xem Ti-vi, đi quanh nhà xem các đồ vật hoặc nghe nhạc và cùng nhảy múa hoặc hát cho trẻ nghe. Thật kỳ diệu, trẻ sẽ thấy thích thú và hết khóc ngay.
- Trẻ bị đau bụng: Nhiều bà mẹ “bó tay” không hiểu vì sao trẻ khóc khi trẻ đã no, sau một giấc ngủ ngon, tã bỉm sạch sẽ… đau bụng có lẽ là điều bạn nên nghĩ đến vào lúc này. Bạn có thể sờ và kiểm tra xem bụng con thế nào, cứng hay mềm… Nếu âu yếm, xoa bụng mà trẻ vẫn khóc, bạn ôm con lên để cưng nựng. Nếu đã loại trừ hết các lý do đã kể ở trên mà trẻ vẫn khóc thét, bạn không nên chần chừ đưa con tới ngay cơ sở y tế.
Phòng khám Cây Thông Xanh